Vụ phóng thứ 8 trong 1 tháng
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, 2 vật thể được Triều Tiên phóng đi lần lượt vào lúc 6 giờ 53 phút và 7 giờ 12 phút (theo giờ địa phương) từ thành phố Kaechon, tỉnh Nam Pyongan, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 80km về phía Bắc. Các vật thể này đã bay xa khoảng 330km.
Giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích nhằm xác định loại vật thể được phóng đi. Ngay sau đó, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, xem xét lại tổng thể các điều kiện an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là vụ phóng thứ 8 của Triều Tiên trong hơn 1 tháng qua và là vụ phóng thứ 10 của nước này trong năm nay. Vụ phóng diễn ra chỉ 1 ngày sau khi hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của bà Choe Son-hui ngày 9-9 cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng cho rằng các cuộc gặp là một điều tốt lành và ông sẽ quan sát những gì diễn ra sau lời đề nghị của Triều Tiên. Giới chuyên gia cho rằng động thái trên cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn đang theo đúng lộ trình nối lại cuộc đàm phán hạt nhân song phương trong tháng này.
Nhiều giả thuyết
Mặc dù các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa nhằm nhiều mục đích, trong đó có việc phát triển kỹ thuật và tái đảm bảo về lực lượng quốc phòng, vụ phóng ngày 10-9 nhiều khả năng đã được lựa chọn thời điểm để gửi thông điệp tới Mỹ.
Năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố sẽ tạm ngừng các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân cũng như các vụ phóng tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tất cả tên lửa Triều Tiên thử nghiệm trong năm nay đều là tầm ngắn. Song, các nhà phân tích cảnh báo rằng Triều Tiên đã phô diễn những tiến bộ công nghệ đáng kể và có thể được sử dụng để tránh né những hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong khi đó, Triều Tiên nhấn mạnh họ phát triển vũ khí mới để đối phó với những mối đe dọa quân sự và sức ép đối với an ninh của nước này, trong đó có các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.
Washington và Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên trong tháng 7. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện và Triều Tiên liên tiếp phóng thử các vật thể tầm ngắn được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, cũng như gây sức ép với chính quyền Washington.
Theo chuyên gia Daniel DePetri thuộc Viện Nghiên cứu những ưu tiên quốc phòng, có trụ sở tại Washington, vụ phóng 2 vật thể bay mới nhất của Triều Tiên có thể được xem là tín hiệu ngoại giao mà Bình Nhưỡng muốn phát đi. Triều Tiên đang chứng minh chuyện gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không đưa ra những đề xuất thiết thực trên bàn đàm phán.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk Koh Yoo-hwan nhận định, vẫn còn nhiều lo ngại về sự nhượng bộ trong các cuộc thương lượng sắp tới. Thực vậy, cuộc thương lượng Mỹ - Triều có khả năng đối mặt nhiều khó khăn khi Thứ trưởng Choe Son-hui kêu gọi “cách tiếp cận mới” từ Mỹ, đồng thời cảnh báo nếu không, cuộc thương lượng giữa hai nước “có thể chấm dứt”.
Cũng có ý kiến cho rằng những tình huống khẩn cấp chính trị ở cả Mỹ và Triều Tiên có thể khuyến khích 2 nước trở nên linh hoạt hơn trong các cuộc thương lượng sắp tới.
Trước thềm chiến dịch tái tranh cử của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cần có kết quả rõ ràng hơn trong chính sách Triều Tiên. Còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đang phải đối mặt với sức ép cần đạt tiến triển thực sự trong kế hoạch vực dậy nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khi ông đưa ra sáng kiến phát triển kinh tế 5 năm hồi năm 2016.