Tại New York ngày 22-9, trả lời câu hỏi của báo giới rằng lãnh đạo Kim Jong-un có thể làm gì sau cảnh báo của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố Bình Nhưỡng có thể cân nhắc một vụ thử bom H ở Thái Bình Dương với "quy mô chưa từng thấy" là một "hành động mạnh nhất" đáp trả Mỹ.
Trước đó, Hãng tin KCNA cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo rằng Washington sẽ "trả giá đắt" cho tuyên bố của Tổng thống Trump tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 19-9, rằng ông có thể "hủy diệt hoàn toàn" chế độ Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ có "hành động mạnh nhất" đáp trả đe dọa của Tổng thống Trump, sẽ xem xét "biện pháp đối phó tương ứng, mức độ cứng rắn cao nhất trong lịch sử".
Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất vào ngày 3-9, gây động đất 6,3 độ Richter, và trước đó phóng 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Theo Yonhap, các chuyên gia dự đoán Triều Tiên có thể phóng ICBM từ tàu ngầm, hoặc thử bom xung điện từ (EMP) từ một vụ nổ hạt nhân làm tê liệt các thiết bị điện và điện tử.
Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên có thể phóng một ICBM theo quỹ đạo chuẩn vào Bắc Thái Bình Dương vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ngày 10-10.
Một số chuyên gia dự báo khả năng Triều Tiên thử một đầu đạn hạt nhân nhỏ gắn trên một tên lửa phóng về phía Thái Bình Dương.
Các chuyên gia khác cho rằng Bình Nhưỡng có thể phóng 4 tên lửa "bao vây" đảo Guam của Mỹ như đã cảnh báo.
Vào tháng 9, Triều Tiên đã phóng một ICBM Hwasong-12 bay ngang lãnh thổ Nhật Bản nhằm thể hiện khả năng tấn công đảo Guam, cách Triều Tiên khoảng 3.400 km.