Chiều tối 17-1, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký ban hành công văn số 1955/TTKQH-TT.
Văn bản nêu trên cho biết, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24-11-2015 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong buổi chiều ngày 18-1-2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Trước đó, ngày 17-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Sau khi xem xét nguyện vọng này, Trung ương đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026.
Tính đến thời điểm Quốc hội miễn nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 2 năm giữ cương vị Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; là Ủy viên Trung ương các khóa: X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa (XI, XII, XIII) và là đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, XV.
Từ 2001 đến 2006, ông Phúc giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Từ tháng 3-2006 đến tháng 5-2006 giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ.
Từ năm 2007, ông giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
Từ 2011 đến 2016, ông lần lượt được bầu vào Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII, giữ chức Phó thủ tướng; Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ; Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng; Phó trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương…
Tháng 4-2016, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng.
3 tháng sau, Quốc hội khóa XIV tiếp tục quy trình kiện toàn nhân sự, bầu ông Phúc làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021. Tại Đại hội Đảng XIII diễn ra hồi tháng 1-2021, ông Phúc tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 4-2021, ông Phúc được Quốc hội khóa XV bầu làm Chủ tịch nước và tái cử chức danh này tại kỳ họp Quốc hội 3 tháng sau đó.