Dự báo đến ngày 11-10, mực nước tại Tân Châu ở mức 3,60m (trên BĐ1 là 0,10m); tại Châu Đốc lên mức 3,45m (dưới BĐ2 là 0,05), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dao động trên BĐ3 từ 0,1-0,3m, sau đó xuống…
Nước lũ có nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An… Trong khi triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp như ở Vĩnh Long, Cần Thơ… Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 2 đến cấp 3.
Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN thành phố Cần Thơ, do ảnh hưởng nước lũ đổ về, cộng với đợt triều cường làm cho nước dâng rất cao gây ngập hàng loạt tuyến đường nội ô thành phố Cần Thơ.
Ghi nhận vào sáng 9-10 có rất nhiều tuyến đường nội ô thành phố Cần Thơ bị ngập sâu chưa từng có. Điển hình như đường Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Văn Hoài… tất cả đều chìm trong biển nước.
Do nước ngập rất sâu ngay thời điểm sáng sớm, nên nhiều phụ huynh vô cùng vất vả trong việc đưa con nhỏ đến trường học. Anh Nguyễn Văn Tính (ngụ quận Ninh Kiều) than: “Do nước ngập quá sâu khiến việc đưa đón con nhỏ phải mất hơn 30 phút, do phải chạy lòng vòng nhiều hẽm và xe bị chết máy; trong khi ngày thường chỉ mất chưa đầy 10 phút…”.
Việc sinh hoạt, buôn bán… của người dân cũng bị đảo lộn do triều cường dâng cao.
Ngành chức năng cho biết, mức triều ở Cần Thơ đã vượt báo động 3 tới 0,31m. Dự báo trong ngày 10 và 11-10 đỉnh triều còn tiếp tục cao…
Tranh thủ nước lũ ở đầu nguồn dao động mức thấp nên nông dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa thu đông.
Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết: “Mấy ngày qua mực nước lũ không còn cao như trước, nên nông dân tăng cường thu hoạch lúa thu đông ở các vùng ngoài đê bao và cả trong đê bao. Đến nay, toàn huyện thu hoạch khoảng 10.000 ha lúa thu đông, năng suất khoảng 5-5,5 tấn/ha. Hiện tại, về cơ bản huyện chỉ còn khoảng 900 ha lúa thu đông nằm ngoài đê bao bị lũ uy hiếp, trong đó 135 ha ở xã Lương An Trà là nguy hiểm nhất. Ngành chức năng đang tiếp tục gia cố đê bao bảo vệ và vận động nông dân thu hoạch ngay khi lúa vừa chín nhằm tránh bị thiệt hại…”.
Ở Long An, nông dân các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa… gieo sạ 23.029 ha lúa thu đông; những ngày qua bà con đã thu hoạch được 19.686 ha, đạt 85%. Số còn lại sẽ cố gắng thu hoạch dứt điểm trong vài ngày tới…
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đê bao tại các vùng có diện tích cây ăn trái lớn như: Chợ Lách (Bến Tre), Long Hồ (Vĩnh Long), Phong Điền (Cần Thơ) cũng đang bị thủy triều uy hiếp.
Theo ghi nhận của PV SGGP, từ chiều ngày 9-10, triều cường bắt đầu dâng cao khiến đoạn Quốc lộ 1A (thuộc địa bàn xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) ngập sâu trong nước.
Đến chạng vạng tối cùng ngày, mực nước tiếp tục dâng rất cao, có đoạn sâu gần 1m trên suốt tuyến Quốc lộ gần 1km, nhiều xe máy hầu như không thể di chuyển được. Hàng loạt xe ô tô bốn bánh cũng đành phải đậu đỗ bên lề để chờ nước rút.
Thời điểm triều cường lên cũng là lúc hết giờ làm, nhiều công nhân từ khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ, Vĩnh Long) không thể về nhà.
Do số lượng xe lưu qua Quốc lộ 1A lớn, trong khi nhiều xe khác phải đậu chờ nước rút nên giao thông bị tê liệt, chỉ một số ít xe tải lớn, xe bồn, xe khách mới có thể vượt qua đoạn nước ngập sâu.
Cảnh sát giao thông cũng đã có mặt tại hiện trường để cố gắng sắp xếp các xe đậu có trực tự, đồng thời nhiều xe tải lớn được huy động để giải cứu các xe bị chết máy nằm trên đường. Đến 19 giờ tối nước vẫn chưa rút, nhiều người đi đường đành phải tiếp tục chờ.