Cụ thể, ngày 6-12 mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên theo triều và đạt đỉnh; mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 2,25m, trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt mức 2,25m; tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 1- báo động 2, các trạm gần cửa sông lên trên báo động 3; trên sông Sài Gòn tại Phú An lên mức 1,63m trên báo động 3 là 0,13m (thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 5-7 giờ và từ 18-20 giờ).
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông và triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TPHCM, thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày 6-12, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh, hiện ở mức cao theo kỳ triều cường rằm tháng 10 âm lịch.
Mực nước tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền) lên mức 1,58 - 1,63 m (trên báo động 3 từ 0,08 - 0,13m).
Dự báo, sau khi đạt đỉnh ngày 6-12, mực nước triều cường sẽ giảm nhanh và không còn khả năng gây ngập.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường tại TPHCM, triều cường tại TPHCM ngày càng diễn biến bất thường, đỉnh triều thường xuyên vượt mức báo động 3 do tốc độ đô thị hóa nhanh làm mất đi diện tích chứa nước tự nhiên cũng như vấn đề biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao. Do đó, TPHCM cần thực hiện các giải pháp công trình đồng bộ mới phát huy hiệu quả giảm ngập cho những khu vực trũng thấp.
Trong khi đó, do có gió Đông Bắc khô ở tầng thấp và gió Tây Bắc ở trên cao ngăn cản quá trình phát triển của mây khiến độ ẩm toàn miền Bắc giảm thấp chỉ ở mức hơn 50%, trời tiếp tục hanh khô và gây khó chịu, nhất là từ trưa, chiều trời bừng nắng. Nhiệt độ cao nhất từ 25°C-26°C vào ban ngày song ban đêm nhiệt độ giảm nhanh, có nơi dưới 14°C.
Vào đến miền Trung, mưa đã giảm nhanh tại Bình Định và Phú Yên; lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên tiếp tục xuống; riêng hạ lưu sông Ba tiếp tục dao động theo điều tiết hồ chứa.