Sáng 14-6, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ trao thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án làm giả, mua bán, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và buôn lậu xe ô tô từ Lào về Việt Nam.
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, quá trình điều tra vụ án làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 11-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh (PC01) phát hiện đường dây làm, mua bán, sử dụng tài liệu giả và buôn lậu xe ô tô từ Lào về Việt Nam thông qua mạng internet như: Facebook, Zalo,… Qua điều tra, nghiên cứu thấy thủ đoạn hoạt động của đối tượng hình thành theo đường dây, có mối liên hệ với nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Việc làm giấy tờ giả của các đối tượng là để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Hợp thức hóa ô tô nhập lậu, ô tô không rõ nguồn gốc, ô tô bất hợp pháp, sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả để vay mượn, cầm cố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Xét thấy hành vi của các đối tượng hoạt động tinh vi, diện đối tượng rộng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải sớm xác lập chuyên án để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Cơ quan CSĐT (PC01) đã báo cáo và được Ban Giám đốc Công an tỉnh đồng ý cho xác lập chuyên án để điều tra làm rõ.
Sau một thời gian điều tra, đấu tranh chuyên án, đến ngày 22-3-2019, Ban chuyên án quyết định phá án. Ban chuyên án đã huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức phá án.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 10 bị can, đưa vào diện có đủ căn cứ để tiếp tục khởi tố 6 đối tượng và triệu tập nhiều đối tượng liên quan để điều tra.
Nhóm làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Trần Quang Đông (28 tuổi, hộ khẩu thường trú Long Thành, Đồng Nai) cầm đầu gồm 14 đối tượng cư trú tại địa bàn 5 tỉnh, thành phố.
Nhóm đối tượng sản xuất biển kiểm soát ô tô, xe máy giả do đối tượng Định Thị Vân (51 tuổi, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An cầm đầu gồm 2 đối tượng.
Thu giữ 357 con dấu giả (trong đó có 168 con dấu của cơ quan, tổ chức như các đơn vị Công an, đăng kiểm, ngân hàng; 189 con dấu tên, chức danh của lãnh đạo các đơn vị, địa phương) cùng thiết bị sản xuất con dấu, giấy tờ, tài liệu giả, 200 thông tin về đăng ký xe giả đã phát hàn; 201 biển kiểm soát ô tô, xe máy giả, cùng dụng cụ phục vụ cho việc làm giả biển kiểm soát ô tô, xe máy; tạm giữ 26 ô tô các loại trị giá khoảng 40 tỷ đồng và nhiều tài liệu, giấy tờ, vật chứng liên quan đến vụ án…
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, quá trình điều tra chuyên án, bước đầu xác định về động cơ, mục đích, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm như: Lợi dụng chính sách của Nhà nước về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới hai nước Việt – Lào qua lại biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu; đột nhập, đánh cắp thông tin cá nhân về chủ phương tiện xe ô tô qua mạng internet để làm giấy tờ giả tương tự, hợp thức hóa ô tô nhập lậu để lưu hành, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; sử dụng các phần mềm máy tính và các kỹ thuật tinh vi để sản xuất con dấu, tài liệu giả; sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện các hành vi trái pháp luật như: Hợp thức hóa xe ô tô bất hợp pháp, cầm cố tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Đây là một vụ án khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng với thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ và mạng internet để hoạt động phạm tội. Quá tình đặt hàng, mua bán các loại giấy tờ giả được thực hiện qua các tài khoản trên mạng xã hội nên khó khăn trong việc điều tra, truy tìm đối tượng; khi bắt giữ các đối tượng thường tìm cách lẫn trốn, tẩu tán tang vật, phương tiện…