Ít nhất 5,6 triệu người tham gia khảo sát không có hộ khẩu thường trú tại nơi họ cư trú. Đây là hệ quả của đô thị hóa, quá trình phát triển tại khu vực kinh tế trọng điểm. Như vậy, trước xu thế hội nhập, hệ thống quản lý bằng hộ khẩu đã bộc lộ không ít hạn chế.
UBND TPHCM đang trình Thường vụ Thành ủy TP xem xét bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức.
Rào cản không đáng có
Tán thành chủ trương bỏ điều kiện hộ khẩu trong khu vực hành chính sự nghiệp, nguyên Phó Chánh tòa Hành chính TAND TPHCM Trương Quế Phượng dẫn chứng: Hiến pháp thể hiện công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Bộ luật Lao động cũng nêu chi tiết người dân có quyền tham gia lao động ở nơi phù hợp khi đáp ứng đủ yêu cầu người sử dụng lao động đưa ra. Vì vậy, bà Phượng cho rằng Nhà nước không nhất thiết biến hộ khẩu trở thành rào cản trên “mảnh đất” việc làm hành chính sự nghiệp. Nếu người lao động hội đủ yếu tố phẩm chất đạo đức, năng lực thì hộ khẩu không đóng bất cứ vai trò nào, dù nhỏ nhất, trong quá trình tuyển dụng, sau tuyển dụng.
Thay vì coi trọng hộ khẩu, việc tuyển dụng nên chọn những cán bộ có kỹ năng tiếp dân và chuyên môn nghiệp vụ tốt (Ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 1, TPHCM)
Đồng quan điểm, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn cho biết hiện thế giới còn 4 quốc gia (trong đó có Việt Nam) duy trì “chế độ” hộ khẩu. Rất nhiều quốc gia không có hộ khẩu trong hệ thống, nhưng có nền công vụ tiên tiến. Thực tế trên một lần nữa chứng minh việc bỏ “chế độ” hộ khẩu không cản trở chất lượng nền công vụ, điển hình là chất lượng tuyển dụng, quản lý nhân lực. Không chỉ thế, trước bối cảnh hội nhập, nước ta không tránh khỏi tồn tại một số chủ trương, chính sách chưa đồng bộ liên quan đến hộ khẩu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình quản lý, môi trường phát triển nhân lực. Chính vì thế, ông Diệp Văn Sơn khẳng định: Chủ trương xem xét bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức rất phù hợp xu thế tiến bộ, mang đậm tính nhân văn. Thực ra, từ nhiều năm trước, TPHCM đã bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức, điển hình là tuyển dụng giáo viên. Thay vào đó, ứng viên bắt buộc đáp ứng yêu cầu nhất định, như trình độ, kỹ năng, thâm niên (tùy vị trí ứng tuyển)…
Sát hạch - công tác cốt lõi
Như vậy, việc nhân rộng chủ trương bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng, quản lý cán bộ dù khó nhưng không phải không làm được. Nhiều năm qua, ngành tòa án TPHCM bỏ hẳn yêu cầu hộ khẩu TPHCM trong hồ sơ tuyển dụng. Mọi ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu phẩm chất, trình độ, điểm thi… hoàn toàn có cơ hội việc làm. Hộ khẩu không đóng vai trò quan trọng tại tòa án các cấp. Tương tự, ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (đơn vị sự nghiệp thuộc Thành đoàn TPHCM), 70% nhân viên, cán bộ không có hộ khẩu TP. Theo ông Khưu Thiên Tinh, Phó giám đốc trung tâm, những cán bộ, nhân viên có hộ khẩu ở địa phương khác vẫn nhận sự quan tâm, chú trọng phát triển Đảng, vị trí làm việc. “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề hộ khẩu khi quản lý, theo dõi hồ sơ nhân sự. Khó khăn duy nhất là dịp lễ, tết, người ở TP sắp xếp choàng gánh công việc cho người ở xa về quê”, ông Tinh bộc bạch.
Bà Trương Quế Phượng cho rằng, không chỉ TPHCM mà những địa phương khác cũng không nên để hộ khẩu làm mất quyền tự do chọn lựa việc làm. Thay vào đó, nhà tuyển dụng cần quản lý chặt khâu xét tuyển, hậu tuyển. Đơn cử, khi nộp hồ sơ, cơ quan tuyển dụng yêu cầu ứng viên cam kết, chịu trách nhiệm rõ về nhân thân, đạo đức. Sau tuyển dụng, bộ phận quản lý sẽ xác minh, xử lý theo quy định nếu ứng viên khai báo trái quy định. “Cơ chế quản lý con người đang từng bước tiến xa theo định hướng theo dõi xuyên suốt, Luật Căn cước công dân là một minh chứng. Do vậy, việc quan trọng là giáo dục, định hướng người tài về đạo đức, lối sống, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật. Nếu như vậy, hộ khẩu sẽ không còn là bài toán khó đối với cơ quan quản lý, cũng như không là rào cản đối với nhân tài”, bà Phượng phân tích.
Ông Diệp Văn Sơn khẳng định TPHCM luôn là “thỏi nam châm cực mạnh” hút nhân tài. Chất lượng cán bộ nâng cao do công tác tuyển dụng ngày càng đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, TP đổi mới phương án bồi dưỡng cán bộ theo hướng chú trọng kỹ năng, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn. Thay vì coi trọng hộ khẩu, nhà quản lý cần thay đổi căn bản phương pháp đánh giá công chức. Lâu nay, cán bộ tham gia bộ máy công quyền theo hai con đường: thi tuyển và xét tuyển, được bảo đảm bằng “chế độ” biên chế. Qua một thời gian thực thi công vụ, nhiều người bộc lộ sức ỳ, biến chất. Thực trạng trên đòi hỏi công tác sát hạch sau tuyển dụng trở thành cốt lõi trong bộ máy quản lý, bên cạnh tuyển dụng. Làm tốt nhiệm vụ trên, cơ quan tuyển dụng chắc chắn chủ động triệt tiêu điều kiện hộ khẩu trong quy trình quản lý nhân lực.
Cạnh tranh công bằng
Theo Sở Nội vụ TPHCM, quy định bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức, công chức hiện chưa có văn bản ban hành chính thức cho phép áp dụng đại trà. Tuy nhiên, chủ trương của TP đã cho phép một số đơn vị tuyển dụng viên chức không cần hộ khẩu TP từ năm nay. Ứng viên buộc phải có lai lịch rõ ràng đối với một số lĩnh vực đặc thù (công tác Đảng, an ninh…). Nhằm tránh vấn đề phức tạp phát sinh, TP sẽ có thêm quy định bổ sung một số điều kiện trúng tuyển, như ngoài tiêu chuẩn về kiến thức chuyên ngành, ứng viên phải qua vòng phỏng vấn trực tiếp. Ứng viên đạt điểm cao và hội đủ những yếu tố nhà tuyển dụng cần sẽ trúng tuyển.
Nhiều ý kiến cho rằng, để làm tốt công tác tuyển dụng, trước mắt phải có hệ thống thi cử cạnh tranh công khai, đủ sức sàng lọc công bằng và khoa học. Muốn làm được không thể chỉ dựa vào các cơ quan quản lý công chức như lâu nay mà phải huy động trí tuệ của các tổ chức khoa học, tổ chức xã hội nghề nghiệp…; phải có ngân hàng đề thi không theo kiểu hình thức, lý thuyết chung chung như lâu nay, mà nội dung phải đổi mới, thiết thực, nặng kỹ năng, thể hiện năng lực. Bên cạnh đó, cần xúc tiến việc thi cạnh tranh các chức danh lãnh đạo.