Để đối phó với tình hình phức tạp kéo dài của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tại cửa khẩu cảng của TPHCM, mới đây, các cơ quan chức năng của thành phố đã bàn bạc tìm giải pháp để phối hợp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, trong đó đề xuất thành lập cổng thông tin một cửa quốc gia để công khai thông tin hàng hóa, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp “lách” quy định
Hàng năm, cửa khẩu cảng TPHCM tiếp nhận và luân chuyển hơn 65% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và chuyển cảng nội địa. Thành phố luôn xác định đây là địa bàn phức tạp về hoạt động tội phạm; nổi cộm gần đây là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm.
Từ năm 2016 đến nay, Cục Hải quan và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM hợp tác triệt phá 7 vụ vận chuyển hơn 6 tấn ngà voi từ châu Phi về Việt Nam qua cửa khẩu cảng; đấu tranh với nhóm đối tượng lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất để buôn lậu hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng từ Nhật Bản về Việt Nam; phát hiện, xử lý một sà lan vận chuyển xăng không xuất trình đủ chứng từ liên quan... Trong 5 năm qua, lực lượng chức năng tại cửa khẩu cảng TPHCM đã ngăn chặn và lập biên bản số lượng hàng hóa trái phép trị giá 50 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ ngà voi tại Cảng Cát Lái (TPHCM) . Ảnh: PHẠM MINH
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, việc thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống khai báo, phân luồng thông qua mạng internet đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách thông thoáng trên hòng trục lợi. Cụ thể, đối tượng vi phạm tận dụng cách thức “chọn luồng” (cùng một lô hàng nhưng khai nhiều tờ khai, nếu kết quả phân luồng ra luồng đỏ thì hủy tờ khai, nếu ra luồng vàng hoặc xanh thì thực hiện thông quan trót lọt). Không ít trường hợp lấy thông tin của doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín (thường nhận luồng xanh) để nhập lậu hoặc khai báo hàng tạm nhập từ nước ngoài về Việt Nam, chờ tái xuất sang nước thứ ba. Trong lúc chờ kết quả, nếu cơ quan chức năng sơ hở, các đối tượng sẽ đưa hàng đi tiêu thụ trong nước. Thủ đoạn sai phạm không những tinh vi mà còn thường xuyên thay đổi.
Bên cạnh đó, quy trình thủ tục quy định miễn kiểm hoặc chỉ kiểm hàng hóa theo tỷ lệ phần trăm. Trong khi đó, hầu hết các cảng tại thành phố chưa đầu tư thiết bị soi chiếu container. Doanh nghiệp chỉ việc khai báo thủ tục rồi giao cán bộ hải quan kiểm tra, giám sát và cho thông quan. Quy định này tuy góp phần giảm gánh nặng thủ tục, nhưng lại gây hạn chế trong việc phát hiện vi phạm. Đặc biệt, không ít cá nhân, tổ chức “lách” quy định về thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi sai pháp luật.
“Qua xác minh, chúng tôi phát hiện hầu hết doanh nghiệp nhập hàng cấm, hàng lậu thường mượn, thuê thợ hồ, người chạy xe ôm đứng tên làm giám đốc, hoặc giám đốc đang điều trị ở... bệnh viện tâm thần. Thậm chí có trường hợp dùng chứng minh thư giả, khai địa chỉ ma”, ông Hùng cho biết.
Tăng cường chia sẻ thông tin, nghiệp vụ
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình hình tội phạm trên tuyến cửa khẩu cảng TPHCM tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, lực lượng chức năng đóng chốt trên địa bàn đã đề ra nhiều giải pháp, cách thức nhằm ngăn chặn, xử lý.
Các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan TPHCM đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng TPHCM hỗ trợ về nghiệp vụ tuần tra trên sông, sử dụng vũ khí quân dụng, phương pháp đấu tranh tội phạm. Nhiều cán bộ hải quan nhìn nhận, do nghiệp vụ phòng chống tội phạm chưa được huấn luyện bài bản nên đôi khi bị lúng túng trong tiếp xúc, xử lý vụ việc, đặc biệt là khi đối phó với những đối tượng manh động.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng hóa nhập lậu là máy lạnh đã qua sử dụng tại Cảng Cát Lái. Ảnh: PHẠM MINH
Theo đánh giá của thượng tá Trần Thanh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM, trong thời gian tới, tình hình tội phạm nói chung, buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng, chuyển biến theo hướng ngày càng phức tạp, tinh vi. Thực tế trên đòi hỏi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng.
Thượng tá Trần Thanh Đức nêu ý kiến: “Đơn vị hải quan và bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn TPHCM tăng cường hỗ trợ lẫn nhau thông qua quy chế phối hợp các cấp. Qua nắm thông tin, chúng tôi nhận thấy hoạt động buôn lậu xăng dầu có nguy cơ nổi lên, do đó 2 cơ quan cần bàn cụ thể kế hoạch phối hợp để đối phó với loại hình gian lận này”.
Bàn về giải pháp phối hợp, ông Phạm Quốc Hùng khẳng định trong tình huống khẩn cấp, lực lượng hải quan sẽ chủ trì tổ chức khám xét ngay, thủ tục hành chính có thể bổ sung sau đó. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét thêm cơ chế phối hợp, chia sẻ và khai thác thông tin hàng hóa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cổng thông tin một cửa quốc gia, nhằm phục vụ nhiệm vụ nắm tình hình, đấu tranh với cá nhân, doanh nghiệp sai phạm.
Trong 5 năm qua, lực lượng hải quan và bộ đội biên phòng TPHCM phối hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, kiểm tra, kiểm soát hơn 46.000 lượt tàu, thuyền/3,2 triệu tấn hàng hóa. Thủ tục hành chính tại cửa khẩu cảng biển nhanh gọn hơn so với trước đây. Việc áp dụng thí điểm thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và triển khai áp dụng quản lý rủi ro, thủ tục hải quan điện tử góp phần làm tăng số lượng phương tiện, hàng hóa giao thương tại cửa khẩu cảng biển TPHCM.