Dự báo luôn có độ vênh nhất định so với con số thực, song nhiều cơ quan phân tích kinh tế và truyền thông quốc tế chung nhận định xu hướng gia tăng bền vững dòng vốn FDI vào Việt Nam trong vài năm tới nhờ lợi thế về vị trí chiến lược và vận chuyển, chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở… Thế nhưng, lợi ích thực tế mà Việt Nam nhận được có tỷ lệ thuận với số vốn FDI hay không vẫn còn những đánh giá rất khác nhau.
Năm 2020, Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của hơn 22.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có tới gần 55% doanh nghiệp báo lỗ hơn 131.000 tỷ đồng, nhưng doanh thu vẫn đạt khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018. Hơn 2 năm sau (2021), trong báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính cũng của Bộ Tài chính cho thấy: tổng tài sản của hơn 26.000 doanh nghiệp FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020; vốn chủ sở hữu là 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% nhưng nợ phải trả lên tới 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%. Nói cách khác, quy mô tài sản tăng, nhưng tốc độ tăng của số nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, nghĩa là tài sản tăng thêm phần lớn là do… vay nợ. Chỉ tiêu sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, chưa được cải thiện.
Thêm vào đó, số doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị bị lỗ. Năm 2021, cả nước có hơn 14.200 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020; tổng giá trị lỗ là hơn 168.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp lỗ lũy kế là hơn 16.200, chiếm 62% tổng số doanh nghiệp, tăng 8% so với năm trước; có hơn 4.400 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020...
Lỗ nhưng vẫn tồn tại, vẫn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh không hoàn toàn là nghịch lý, nếu nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp khi bắt đầu khởi sự kinh doanh ở một thị trường mới và chỉ trong một vài năm đầu tiên. Nhưng sẽ bất thường, nếu tình trạng này kéo dài, thậm chí triền miên hàng chục năm liền, như Coca-Cola, bất chấp doanh số tăng theo chiều thẳng đứng.
Không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19 như hiện nay, nhưng vẫn cần làm rõ việc: có hay không hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Trên thực tế, sau khi bị cơ quan thanh tra thuế chỉ rõ sai phạm, một số doanh nghiệp FDI đã phải chấp nhận truy nộp hàng trăm tỷ đồng. Khi một bộ phận doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế trót lọt thì không chỉ ngân sách Nhà nước bị thất thoát mà với lợi thế về tài chính có được một cách bất hợp pháp, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp nội địa, tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường.
Việc rà soát hoàn thiện các chính sách thuế tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài. Còn nhớ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi còn là Phó Thủ tướng, trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính, đã nhấn mạnh yêu cầu có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI, nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư. Thực tế hiện nay đặt ra đòi hỏi cấp bách tăng cường năng lực thanh tra giám sát, nghiên cứu xây dựng bộ phận “đặc nhiệm” về chống chuyển giá, nhằm kiểm soát tình trạng “lỗ giả, lãi thật”. Bên cạnh đó, cần giảm dần các chính sách thu hút đầu tư thông qua ưu đãi thuế, thay vào đó là cơ chế ưu đãi linh hoạt, khác biệt, chẳng hạn như chính sách về sử dụng đất trong và ngoài các khu công nghiệp, tính toán ưu đãi dựa vào hiệu suất trên diện tích đất sử dụng…