Thông tin ban đầu, tại Thừa Thiên - Huế xuất hiện nhiều nhóm đối tượng từ các tỉnh phía Bắc vào hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo nguy cơ mất an ninh trật tự. Với mức lãi suất từ 180% đến 250%/năm, nhiều người dân “dính” vào tín dụng đen không có khả năng trả nợ đã bị các đối tượng uy hiếp, đe dọa, thậm chí cưỡng đoạt tài sản, gây thương tích…
Các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, biến tướng, luôn có sự liên kết ngầm giữa nhiều cá nhân, đồng thời lợi dụng những sơ hở trong hệ thống pháp luật để hoạt động… Những hệ lụy nghiêm trọng do “tín dụng đen” gây ra đã gây hoang mang và bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, tuy nhiên việc điều tra, xử lý đối với các đối tượng này không phải là điều dễ dàng.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an Thừa Thiên - Huế, Phòng CSHS Công an tỉnh này nhanh chóng tổ chức rà soát, qua đó phát hiện trên địa bàn có 21 ổ nhóm và 114 đối tượng đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay nặng lãi. Từ kết quả rà soát, sàng lọc, khoanh vùng đối tượng, Phòng CSHS xác định hiện có một nhóm đối tượng do Nguyễn Đắc Hải Anh đang cầm đầu cho vay nặng lãi tại địa phương rất manh động, táo bạo, cần phải nhanh chóng bị bắt giữ và xử lý. Phòng CSHS quyết định lập Chuyên án “819V” để đấu tranh làm rõ.
Các trinh sát nhanh chóng được “tung” về địa bàn nắm thông tin, lai lịch của nhóm đối tượng, kết hợp thu thập tài liệu chứng cứ phạm tội và xác định đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh (SN 1999, trú tại TP Hà Nội, đang trú tại Phòng 210, tòa nhà CT2, Chung cư Aranya, phường Xuân Phú, TP Huế), thu nạp 4 đàn em là Võ Bá Đạt (SN 1996), Nguyễn Tiến Đại (SN1998), Đàm Quang Trung (SN 1999, cùng trú tại TP Hà Nội) và Nguyễn Đức Giang (SN 1998, trú tại tỉnh Bắc Giang), cùng thuê trọ tại số 61/3 đường Dương Văn An (phường Xuân Phú, TP Huế) để hoạt động bảo kê, đòi nợ và cho vay nặng lãi trên toàn địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Toàn bộ số tiền nhóm Hải Anh hoạt động “tín dụng đen” đều do một số đối tượng khác ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh “rót” vào và giao cho Hải Anh trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động tại Huế.
Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, để thực hiện “thuận lợi” hoạt động cho vay nặng lãi, Hải Anh sử dụng Facebook và Zalo quảng cáo hoạt động cho vay tín dụng với thủ tục cho vay đơn giản; đồng thời chỉ đạo đàn em rải tờ rơi quảng cáo, dán lên tường, cột điện, ngã tư đèn xanh đèn đỏ và các vị trí đông người nhìn thấy; mỗi đối tượng trong nhóm đều được giao phụ trách từng địa bàn cụ thể, có trách nhiệm thẩm định tình hình khả năng tài chính người vay, thực hiện các thủ tục vay… và đòi nợ.
Cũng trong quá trình điều tra, cơ quan Công an còn phát hiện thêm nhóm đối tượng này thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như trộm cắp xe máy, giao cấu với trẻ em… Hiện Công an đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng trên về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.