“Nốt trầm” dòng vốn ngoại
TTCK Việt Nam khép lại năm 2023 tăng hơn 12%, nhưng khối ngoại đã bán ròng hơn 25.300 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) được đánh giá là “nốt trầm” trên thị trường. Qua đó cũng cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài khi vào TTCK Việt Nam, dù triển vọng nâng hạng đang ngày càng rõ ràng. Đáng nói, việc “xả hàng” này vẫn tiếp tục diễn ra trong những phiên đầu năm 2024 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lý giải việc bán ròng trên TTCK Việt Nam thời gian qua, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI cho biết, dòng vốn ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) trên TTCK Việt Nam đảo chiều trong năm 2023 nằm trong xu hướng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi. Mặt khác, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ duy trì lãi suất USD cao nhất trong hơn 2 thập niên khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường có sự chênh lệch lãi suất lớn giữa đồng nội tệ và USD. Bên cạnh đó, sau giai đoạn mua ròng mạnh cách đây một năm với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng, khối ngoại đã hiện thực hóa lợi nhuận thông qua việc bán ròng chốt lời.
Thống kê cho thấy, trong gần cả năm 2023 khối ngoại đã rút ròng tại thị trường Thái Lan 5,4 tỷ USD, thị trường Indonesia hơn 877 triệu USD… Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng Phòng Phân tích và Nghiên cứu chứng khoán Agriseco, cho rằng, về vĩ mô, mặc dù còn gặp yếu tố bất lợi nhưng nội tại nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khả quan, sẽ mở ra triển vọng tích cực cho TTCK. Cùng với đó, hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin mới sắp được đưa vào sử dụng trên TTCK Việt Nam được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc thực hiện) đi vào vận hành thời gian tới sẽ là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), từ đó giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc nâng hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) cũng như cho phép thực hiện nghiệp vụ bán chứng khoán chờ về (T0)…
Nâng hạng nhưng phải nâng chất
Với những nỗ lực của cơ quan quản lý thời gian qua, việc nâng hạng TTCK Việt Nam vào năm 2025 được đánh giá là khả thi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hấp dẫn dòng vốn ngoại, việc nâng chất thị trường hết sức quan trọng, bởi đã có TTCK được nâng hạng nhưng chỉ sau một năm đã bị loại vì không cạnh tranh được về mặt vốn hóa và thanh khoản của thị trường.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết, trong những cuộc gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, họ cần chất lượng cũng như đa dạng hóa các nhóm ngành trên TTCK. Điển hình như trong 50 quỹ hưu trí của Mỹ đã sang Việt Nam lần thứ hai, chỉ có 3 quỹ rót vốn vào Việt Nam vì không có nhiều nhóm ngành để đầu tư. Thêm vào đó, TTCK Việt Nam có nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn (đến 90%), trong khi ở các nước có TTCK phát triển, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân-tổ chức là 40%-60%. “Phải nỗ lực để phát huy vai trò của nhà đầu tư tổ chức. Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề này vì hiện TTCK dễ biến động mạnh do phụ thuộc lớn vào thanh khoản và tâm lý của nhà đầu tư cá nhân”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Bà VŨ THỊ CHÂN PHƯƠNG, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN):
Rà soát, bỏ hạn mức không phù hợp
Nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu lớn mà UBCKNN đang hướng tới. Trước mắt, UBCKNN tập trung đáp ứng tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell (1 trong 2 tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất thế giới - cùng với MSCI) lên thị trường mới nổi thứ cấp, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp để nâng hạng theo lộ trình đã đặt ra. Song song đó, tiếp tục hoàn thiện quy định trong nước trên cơ sở nghiên cứu các quy định và thông lệ quốc tế để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2024, UBCKNN chú trọng hơn nữa công tác tái cơ cấu hiệu quả thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật thông qua giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trên thị trường để hướng đến một thị trường minh bạch. UBCKNN sẽ tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư thành lập, rà soát, sửa đổi quy chế, bỏ hạn mức không phù hợp...
Theo các chuyên gia tài chính, hiện TTCK Việt Nam đang có sự mất cân bằng giữa các nhóm ngành. Các cổ phiếu tài chính, bất động sản áp đảo về mặt số lượng cũng như tỷ trọng vốn hóa, (khoảng 60% toàn thị trường), nhưng là các nhóm ngành có tính chu kỳ nên mang tính chất đầu cơ khá cao, dòng vốn nước ngoài khó đầu tư dài hạn. Trong khi đó, quan tâm lớn của khối ngoại là các lĩnh vực có khả năng tăng trưởng bền vững hơn, ít rủi ro hơn như công nghệ, y tế, dược phẩm, bán lẻ, tiện ích… lại chiếm tỷ trọng nhỏ với số lượng cổ phiếu khiêm tốn. Đây cũng là một trong những rào cản khiến nhà đầu tư ngoại khó tiếp cận với TTCK Việt Nam. Và dòng vốn ngoại thời gian qua tham gia vào TTCK Việt Nam cũng chỉ đầu tư ngắn hạn do cơ cấu thị trường mất cân đối. Điều này một phần xuất phát từ tính đầu cơ cao của thị trường theo các chu kỳ bơm, hút tiền.