Hỗ trợ phục hồi sau đại dịch
BI hợp tác với BNM ra mắt hệ thống cho phép thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR quốc gia nhằm thiết lập các hệ thống thanh toán bán lẻ nhanh chóng và hiệu quả trong khu vực. Với tên gọi Liên kết thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR, hệ thống trên cho phép doanh nghiệp và khách hàng ở cả hai quốc gia thực hiện và nhận thanh toán bằng hệ thống thanh toán sử dụng mã QR tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) hoặc QR DuitNow - hệ thống mã QR quốc gia của Malaysia. Hệ thống này đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức hoạt động thương mại vào quý III-2022. Ngoài ra, BI còn thử nghiệm hệ thống thanh toán xuyên biên giới với BOT từ tháng 8-2021 và chính thức hoạt động thương mại trong quý 1-2022.
Sáng kiến liên kết thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR với Malaysia và Thái Lan nằm trong khuôn khổ triển khai Kế hoạch tổng thể hệ thống thanh toán Indonesia 2025. Đây là kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp thanh toán trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số. Các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số cũng sẽ thúc đẩy phát triển tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đặc biệt là các doanh nghiệp thiếu kiến thức về tài chính tại các quốc gia này. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) Kaspar Situmorang khẳng định, thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR sẽ giúp ích cho các MSME và lĩnh vực du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Phó Thống đốc BI Doni P Joewono cho biết, thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR sẽ cho phép các giao dịch hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy số hóa thương mại và doanh nghiệp. Hình thức liên kết này cũng giúp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách thúc đẩy sử dụng rộng rãi hơn khuôn khổ thanh toán bằng nội tệ.
Nhiều tiềm năng
Trước đó, vào tháng 6-2021, Malaysia và Thái Lan đã cho ra mắt chương trình liên kết thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới, tạo điều kiện cho người tiêu dùng và doanh nghiệp ở cả hai quốc gia giao dịch thanh toán một cách dễ dàng. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã thành lập một liên minh với Singapore, Myanmar và Campuchia để kích hoạt hệ thống thanh toán điện tử mới. Dự kiến, việc thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới sẽ được mở rộng ra nhiều quốc gia ASEAN trong thời gian tới.
Nhận định về triển vọng thanh toán số xuyên biên giới giữa các nước ASEAN, giới chuyên gia kinh tế cho rằng đây là thị trường nhiều tiềm năng. Hiện hợp tác kinh doanh quốc tế trong khu vực ASEAN thường bị hạn chế do thiếu các hệ thống thanh toán điện tử toàn diện - đặc biệt là các hệ thống có thể rút ngắn thời gian xử lý các giao dịch được thực hiện bằng các loại tiền tệ khác nhau. Công nghệ mã QR là giải pháp mới trong lĩnh vực tài chính, tạo đà thanh toán không tiếp xúc, nhanh chóng và an toàn thông qua ứng dụng trên thiết bị di động dành cho cả người bán và người tiêu dùng.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp tại ASEAN đẩy nhanh tiến trình chấp nhận rộng rãi các nền tảng thanh toán số. Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) được Google, Temasek và Bain & Company công bố, bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.