Khu vực quan trọng
Với EU, ASEAN là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực châu Á, cũng là nơi để thực hiện trọng tâm chính sách ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trưởng ban Chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết EU chú trọng vào việc đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt củng cố sự liên kết với ASEAN.
Chuyên gia Lay Hwee Yeo, Giám đốc Trung tâm EU tại Singapore, cũng cho rằng, Đông Nam Á hiện là khu vực quan trọng khi EU tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề toàn cầu. Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc hai bên nâng cấp quan hệ “đối tác đối thoại” lên “đối tác chiến lược” từ ngày 1-12-2020, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 23 diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Năm 2021, động lực tiếp tục được duy trì với việc ký kết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện EU-ASEAN, Hiệp định Vận tải hàng không giữa các khối đầu tiên trên thế giới nhằm mục đích tăng cường và hợp lý hóa các dịch vụ hành khách và hàng hóa giữa châu Âu và Đông Nam Á. EU cũng là nhà tài trợ chính của vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á vào năm ngoái, chủ yếu được cung cấp thông qua chương trình COVAX quốc tế.
Tháng 11 năm ngoái, Green Team Europe, một diễn đàn của các quốc gia thành viên và Ngân hàng Đầu tư châu Âu, đã cung cấp khoản tài trợ ban đầu của EU trị giá 30 triệu EUR (33,9 triệu USD) để giúp thúc đẩy hợp tác EU-ASEAN về hành động khí hậu. Khi EU tiếp tục thực hiện kế hoạch phục hồi cho châu Âu và ASEAN thực thi khuôn khổ phục hồi toàn diện của mình, cả hai bên hướng tới mục tiêu xây dựng trở lại tốt hơn và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống y tế công cộng của hai khu vực, với phát triển bền vững là trung tâm.
Bước tiến mới
Alfred Gerstl, chuyên gia về quan hệ quốc tế Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Đại học Vienna, cho biết năm 2022 sẽ đánh dấu bước tiến mới của Sáng kiến Cổng toàn cầu của EU, một chương trình đầu tư 300 tỷ EUR ( 339 tỷ USD) được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. EU đã xác định Đông Nam Á là khu vực trọng điểm cho kế hoạch đầu tư này bởi ASEAN gồm các nước đang phát triển năng động, chứa đựng trong đó là tuyến đường biển kết nối các quốc gia ở Ấn Độ Dương, châu Âu, châu Phi với các quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Các cơ chế, cấu trúc an ninh do ASEAN định hình, dẫn dắt, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+… thường xuyên được mở rộng, nâng cao cả về quy mô, cấp độ và tính chất, tạo không gian đối thoại cởi mở và xây dựng được lòng tin trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cũng trong năm 2022, EU và ASEAN có thể bắt tay vào đàm phán cho một thỏa thuận kỹ thuật số toàn diện. Dự kiến, sẽ có nhiều tiến bộ hơn đối với sáng kiến Thành phố xanh thông minh ASEAN và Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, cả hai đều được EU hỗ trợ về mặt tài chính. EU và ASEAN sẽ sớm mở lại các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do hai khu vực, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại do ASEAN dẫn đầu, đã có hiệu lực vào năm nay.
Với ASEAN, EU là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực. Việc phát triển quan hệ với EU là một nhu cầu và là một bước đi có ý nghĩa để mở rộng không gian chiến lược của hiệp hội, giúp ứng phó với những cạnh tranh và bất ổn ngày càng gia tăng trong khu vực.