Phát biểu khai mạc, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch HCM-USTA cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch có phát thải cao. Hiện Chính phủ đã xây dựng lộ trình về tăng trưởng xanh gắn liền bảo vệ môi trường, trong đó không chỉ chuyển đổi xanh trong sản xuất mà còn vận dụng trong đời sống hàng ngày.
Hiện nay, hydro xanh được đánh giá là nhiên liệu lý tưởng để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thì việc sản xuất hydro xanh nội địa là giải pháp quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tại hội thảo, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, thành viên của HOMASTE cho biết, biển miền Trung Việt Nam tập trung động năng dòng hải lưu lớn nhất thế giới, đây là tài nguyên vô cùng quý hiếm. Để sử dụng nguồn điện hải lưu dồi dào hiện có, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng giới thiệu về công nghệ trống quay của Việt Nam. Đây là công nghệ có thể khử được trọng lượng vật quay trong nước, đưa các thiết bị phát điện ra khỏi nước và có thể lấy tối đa động năng dòng chảy theo chiều sâu và chiều ngang. Ưu điểm của công nghệ này là giá thành phát điện rẻ vì hệ thống máy chủ yếu là bê tông cốt thép đặt dưới đáy biển, có tuổi thọ lớn. Khi khai thác thì thả trống quay xuống đáy biển. Trống quay có thể bảo dưỡng, thay thế đơn giản, phù hợp với năng lực cơ điện của Việt Nam.
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng cũng cho biết, hiện đã hoàn thành hai máy thí nghiệm để khẳng định sự thành công của công nghệ trống quay. Đây là nền tảng để sản xuất hydro xanh mà không phụ thuộc vào lưới điện. Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng chính sách thực hiện phát triển hydro xanh, đồng thời cho thực hiện thí điểm công nghệ trống quay tại các khu vực thích hợp.