Triển vọng mới trong điều trị hội chứng ruột kích thích

Triển vọng mới trong điều trị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS), còn gọi là hội chứng đại tràng kích thích hay đại tràng co thắt…, là một rối loạn tiêu hóa. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, qua sự nhận biết về vai trò của Serotonin và thụ thể của nó trong cơ chế vận động và bài tiết ở ruột, người ta đã tìm ra một số giải pháp điều trị, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hội chứng từng làm nản lòng bệnh nhân và thầy thuốc

Triển vọng mới trong điều trị hội chứng ruột kích thích ảnh 1

Nội soi dạ dày tại Bệnh viện 115 TPHCM.

TS-BS Bùi Hữu Hoàng (Đại học Y Dược TPHCM) cho biết: IBS là một rối loạn chức năng mà nguyên nhân có thể bắt nguồn từ các yếu tố khá đơn giản như: rối loạn vận động, tâm lý căng thẳng lo âu, do thức ăn, do nhiễm trùng, do tăng nhạy cảm của nội tạng…

Hiện nay trên thế giới ước tính có khoảng trên 1 tỷ người bị IBS. IBS dễ tái phát như một tình trạng mãn tính và khiến cho không ít người phải khổ sở vì đau bụng, trướng bụng và rối loạn thói quen đi cầu, kéo dài trong vòng tối thiểu 12 tuần (có thể không liên tục).

Ngoài ba triệu chứng điển hình trên, IBS còn có thể kèm theo những triệu chứng khác như tiểu khó, rối loạn kinh nguyệt, đau cơ, đau lưng, nhức đầu, dị cảm, mất ngủ, rối loạn vị giác, trầm cảm, mệt mỏi, đau ngực hồi hộp, chóng mặt, hen phế quản…

Do đó, dễ nhầm lẫn IBS với các nguyên nhân thực thể gây đau bụng hoặc rối loạn đi cầu khác như: hội chứng kém hấp thu, nhiễm trùng tiêu hóa do vi trùng hoặc ký sinh trùng, bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc do dùng thuốc… đến nay, nguyên nhân của IBS vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng theo giả thuyết sinh bệnh học thì IBS có thể liên quan tới những yếu tố như: rối loạn vận động, tăng nhạy cảm nội tạng, nhiễm trùng, thức ăn và tâm lý.

Triển vọng mới trong điều trị IBS

Theo phương pháp điều trị cổ điển, ngoài việc lập ra chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh (tránh ăn các thức ăn khó dung nạp - nhiều dầu mỡ, rau sống, sữa tươi hay các thức ăn khó tiêu, khô khan, nhiều gia vị), tập thể dục đều đặn tránh căng thẳng… còn phải sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng: đau bụng và trướng bụng (bằng các loại thuốc chống co thắt, thuốc ức chế can xi, thuốc chống co thắt hướng cơ trơn, thuốc chống trầm cảm và điều trị tiêu chảy, điều trị táo bón bằng thuốc nhuận trường thẩm thấu, nhuận trường tạo khối, nhuận trường co thắt…).

Tuy nhiên, các thuốc điều trị cổ điển đều có những hạn chế nhất định, bởi thuốc chống co thắt có thể làm giảm đau, trướng bụng nhưng có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón. Thuốc chống tiêu chảy có thể gây táo bón, trướng bụng. Thuốc nhuận tràng có thể làm nặng thêm triệu chứng trướng bụng và đau…

Khi cách điều trị cổ điển chưa đem lại kết quả thỏa đáng, vào những năm cuối của thế kỷ XX, người ta bắt đầu nhận biết vai trò của Serotonin và thụ thể (Hydroxy Tryptamine: 5-HT) của nó trong cơ chế vận động và bài tiết ở ruột.

Trong 7 loại thụ thể, hai thụ thể 5-HT3 và 5-HT4 có vai trò điều chỉnh sự vận động, cảm giác và sự bài tiết của ruột. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh, tập trung chủ yếu ở ống tiêu hóa và ở hệ thần kinh. Serotonin được bài tiết dưới tác động của các xung kích thích trong lòng ruột.

Sau khi gắn vào thụ thể, Serotonin sẽ có tác dụng phối hợp co cơ trơn, tạo phản xạ nhu động ruột, kích thích bài tiết nước và điện giải vào lòng ruột làm thay đổi cảm nhận đau. Trong trường hợp Serotonin tăng bài tiết sẽ kéo theo tăng nhu động ruột và làm tiêu chảy, ngược lại nếu giảm bài tiết sẽ gây táo bón.

Từ nghiên cứu, y học đã tìm ra một số loại thuốc chọn lọc tác dụng trên thụ thể 5-HT như: Alosetron, Cilansetron là các thuốc đối vận 5-HT3 có tác dụng trị tiêu chảy và Prucalopride, Tegaserod là thuốc đồng vận 5-HT4 có tác dụng trị táo bón. Hoặc các thuốc có tác dụng hỗn hợp cả đối vận 5-HT3 và đồng vận 5-HT4 như Cisapride, Renzapride.

Riêng Tegaserod, với cấu trúc gần giống như Serotonin, là chất đồng vận một phần, có tính chọn lọc, một mặt có tác dụng giống như Serotonin mặt khác lại có đối kháng cạnh tranh với Serotonin và hạn chế được các tác dụng phụ của Serotonin.

Tegaserol sau khi gắn vào thụ thể sẽ “bắt chước” tác dụng của Serotonin gây kích thích phản xạ nhu động ruột, làm tăng tuyến vận ở ruột, kích thích bài tiết và nước, giảm táo bón, tác động trên cảm nhận đau nội tạng làm giảm cảm giác đau bụng. Kết hợp với thụ thể 5-HT4 tại thần kinh ở ruột, tạo xung động truyền đến neuron giúp điều hòa nhu động ruột làm giảm trướng bụng.

Tegaserod đáp ứng được những yêu cầu trong việc điều trị những triệu chứng đau bụng, trướng bụng và rối loạn thói quen đi cầu (táo bón hoặc tiêu chảy)… nhưng lại có tính phân cực cao nên không bị khuếch tán qua hàng rào máu não, không gây ảnh hưởng tới thần kinh trung ương.

Theo TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Tegaserol có thể gây tác dụng phụ, nhưng không có tác dụng phụ trên tim mạch. Tuổi tác giới tính không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc, không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan nhẹ, suy thận nhẹ. Chưa ghi nhận thấy có sự tương tác với các thuốc được chuyển hóa qua gan, thuốc kháng nấm, kháng sinh… nhưng không nên dùng cho những đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người già trên 65 tuổi.

TIẾN ĐẠT

 

Tin cùng chuyên mục