Hướng đi riêng
Theo ông Mai Quang Kìn, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất, tiêu thụ cây con đặc sản an toàn Yên Hòa, trước đây, nông dân chủ yếu trồng lúa, nhưng là vùng đồng chiêm trũng nên rất khó khăn. Không cam chịu nghèo, bà con đã học hỏi qua đài báo, tìm cách chuyển đổi sang các loại cây ăn trái và nuôi thủy sản. HTX của ông Kìn ban đầu chuyển sang nuôi cá. Nhưng do vùng này đất chật, người đông nên xã viên bàn nhau tìm loại đặc sản, có lợi suất cao trên phần diện tích nhỏ hẹp. Họ đã chọn một hướng đi riêng là nuôi thử nghiệm cá chạch sụn để làm ra món cá kho mang thương hiệu của địa phương. Chỉ bằng các loại gia vị dân dã như: rau răm, riềng, khế, thì là, tỏi, ớt… nhưng với kỹ thuật kho cá cầu kỳ từ ủ tro đến đốt than, canh lửa…, HTX tung ra thị trường những nồi cá chạch kho thơm - mềm - ngọt không phải nơi nào cũng có.
Tuy nhiên, nếu chỉ bán qua kênh truyền thống, người quen, bạn bè, sẽ không thể phát triển được, nên bà con tìm cách khai thác các nền tảng công nghệ để khuếch tán “tiếng thơm” của mình. UBND xã hướng dẫn bà con đưa đặc sản cá chạch sụn lên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Postmart.vn, đồng thời phối hợp với chuyên gia của Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông tập huấn kỹ năng bán hàng trên mạng cho xã viên. Sau khi bán bằng cách “phi truyền thống” này, doanh thu tăng gấp 4-5 lần.
Để có thêm bước tiến nữa, HTX gửi hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho cá chạch sụn, xây dựng logo nhận diện thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm. Nhờ biết tìm hướng đi riêng, mỗi tháng, HTX tung ra thị trường khoảng 300-400 niêu cá chạch kho, 6-7 tấn cá chạch đông lạnh (chưa kể con giống cho các vùng khác muốn học tập). Từ 19 hộ ban đầu, sau 5 năm thành lập, đã có 45 hộ tham gia. HTX đã kết nối cho các thành viên ký kết, bao tiêu sản phẩm với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Xã “thông minh”
Theo UBND huyện Yên Mô, trên nền tảng bước đầu về chuyển đổi số và sự nhạy bén thích ứng của người nông dân, từ tháng 9-2020, xã Yên Hòa đã được Bộ TT-TT lựa chọn là một trong 12 địa phương trên cả nước triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã để hướng tới xây dựng mô hình xã “thông minh” ở Việt Nam. Theo ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, có nhiều sản phẩm của địa phương được đưa lên các sàn thương mại điện tử, có thể kể như: cá chạch sụn kho niêu, chuối tây sấy dẻo, mít sấy hộp, rau rút nộm tai heo… Hầu như 100% hộ gia đình trong xã được triển khai phần mềm Vpostcode, tập huấn thanh toán điện tử bằng quét mã QR. Các cơ sở sản xuất kinh doanh hầu như đã sử dụng kênh thanh toán điện tử, chuyển khoản ngân hàng trực tuyến… UBND xã cũng xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn qua nền tảng bản đồ số gắn liền với phát triển thương mại điện tử.
Thanh niên ở xã Yên Hòa hướng dẫn cách sử dụng mã QR và app để mua sắm, thanh toán trực tuyến qua thiết bị smartphone |
Còn về mặt hành chính, ông Đoàn Trung Nam cho biết, sau hơn 2 năm triển khai mô hình xã thông minh, đến nay, 100% hồ sơ và thủ tục hành chính được giải quyết trên hệ thống điện tử, người dân không cần đến trụ sở xã để khai báo… Cũng nhờ dự án chuyển đổi số, hiện nay giữa người dân và chính quyền xã đã có rất nhiều hệ thống giao tiếp, kênh thông tin liên lạc như: hệ thống tin nhắn SMS, thông báo thông tin qua nền tảng app “Công dân số” hoặc Zalo Page… Từ các nền tảng này, bà con có thể tiếp nhận nhanh chóng các thông tin tuyên truyền, thông báo của chính quyền xã và dễ dàng gửi các kiến nghị, phản ánh.
Nhờ thành tích chuyển đổi số, tháng 9-2022, xã Yên Hòa đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 17. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cũng có bài viết về mô hình chuyển đổi số của xã Yên Hòa và coi đây là một trong các mô hình “Làng số - Digital village” để các nước trên thế giới tham khảo.