Mỹ duy trì tăng trưởng
Trong bài viết dự báo về kinh tế thế giới năm 2018 được đăng trên trang Project Sydycate, giáo sư kinh tế của trường Đại học Stanford (Mỹ) Michael J.Boskin nhận định trong năm sau, kinh tế giới sẽ ở mức 3,5%. Hiện đã có các dự đoán cho rằng Mỹ - quốc gia có nền kinh tế số một thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng như năm 2017. Năm nay cũng là năm kinh tế Mỹ có nhiều chỉ số kinh tế khởi sắc nhất kể từ năm 2007 cho đến nay. 2018 cũng là năm hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ, trong đó có sự thay đổi trong ban lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tính đến ngày 13-12-2017, FED đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và 5 lần kể từ đợt nâng lãi suất đầu tiên. Hiện mức lãi suất cơ bản tại Mỹ vào khoảng 1,25%-1,5% và các chuyên gia dự đoán FED sẽ còn nâng lãi suất 3 lần nữa trong năm 2018.
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây. Quan trọng hơn, theo các chuyên gia, nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn... Theo OECD, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng 3,6% trong năm nay, sau đó sẽ tăng lên 3,7% vào năm 2018 và lùi lại về mức 3,6% vào năm 2019. Tổ chức này cũng dự báo Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng trưởng vượt các nền kinh tế phát triển lớn khác, với tốc độ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, song dự báo sẽ giảm xuống lần lượt 2,1% và 1,9% vào năm 2018 và 2019. Sự thành công của kinh tế toàn cầu năm 2017 một phần là nhờ sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc rút dần các biện pháp kích thích như vậy.
Điểm sáng Ấn Độ
Bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại Anh (CEBR) công bố mới nhất cho thấy quy mô kinh tế tính theo đồng USD của Ấn Độ năm 2018 có thể sẽ vượt qua nước Anh và Pháp, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng hơn 7% trong năm sau.
Riêng với Trung Quốc, bước sang năm 2018, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường kiểm soát tất cả các khía cạnh của nền kinh tế. Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết, đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ cải thiện trong năm 2017 nhưng sẽ giảm tốc trong năm 2018. Lý do là hoạt động đầu tư của chính phủ tăng trưởng chậm lại, giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo nước này đang xác định lại động lực tăng trưởng. Theo CASS, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay, trước khi hạ xuống mức 6,7% trong năm tới. Trong khi đó, theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của tổ chức kinh tế Conference Board, có trụ sở tại New York cho biết, các nền kinh tế ASEAN được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trong năm tới nhờ sự hội nhập khu vực ngày càng lớn, việc kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt và công cuộc cải cách tiếp tục được thực hiện.
Được dự báo về đà tăng trưởng khả quan trong năm 2018, nhưng kinh tế thế giới vẫn đối mặt với những rủi ro. Theo Conference Board, một số nhân tố có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng, đó là cuộc đàm phán kéo dài như Brexit và những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao, chiến tranh mậu dịch giữa các cường quốc kinh tế…