Nhật Bản kỳ vọng nền tảng này sẽ củng cố chuỗi cung ứng tại khu vực mà nhiều công ty của nước này đặt cơ sở sản xuất, đồng thời thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế với 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Nền tảng số hóa hiện đang được một hiệp hội gồm 18 công ty Nhật Bản phát triển, sử dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng đánh cắp dữ liệu. Tham gia hiệp hội có 3 công ty hàng đầu Nhật Bản gồm: NTT Data Corp., Mitsubishi Corp. và Nippon Express Co.Ltd.
Với ưu điểm giúp tiết giảm việc trao đổi giấy tờ giữa các bên tham gia hoạt động thương mại, nền tảng này được kỳ vọng giúp giảm đáng kể các chi phí và thời gian xử lý các tài liệu hải quan. Vấn đề này cũng giúp số hóa các bước phát hành tín dụng thư của ngân hàng và các hợp đồng bảo hiểm thương mại.
Theo Kyodo, nền tảng trên tích lũy dữ liệu nên trong trường hợp xảy ra các gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hệ thống có thể cung cấp chức năng tìm kiếm những nhà cung ứng thay thế dựa trên lịch sử trao đổi thương mại và tín dụng. Việc phát triển nền tảng được thực hiện trong bối cảnh Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang chủ trương cấp vốn cho việc kiến tạo những cơ hội kinh doanh thông qua các dự án kỹ thuật số tại các quốc gia châu Á.
ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Nhật Bản, sau Trung Quốc và Mỹ. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETO), thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đạt 214 tỷ USD trong năm 2019, với giá trị nhập khẩu đạt 108 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 106 tỷ USD. Việc tăng cường hợp tác với ASEAN, là một phần trong những sáng kiến rộng hơn của Nhật Bản nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và giảm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
Số hóa trên nhiều lĩnh vực đang là xu hướng tất yếu để đưa nền kinh tế của nhiều quốc gia trong ASEAN phát triển nhanh theo hướng hiện đại. Đây cũng là khu vực có nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh trên thế giới.
Trong năm 2019, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN đã lần đầu tiên tăng vọt lên 100 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2025. Đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và xã hội, chuyển đổi kỹ thuật số không còn là một lựa chọn mà là một con đường bắt buộc để thúc đẩy phát triển kinh tế tại ASEAN.
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong ASEAN, một số sáng kiến hiện đang được triển khai như phát triển hệ sinh thái 5G, xây dựng khung khổ về chuyển vùng di động quốc tế, sản xuất thông minh, và một mạng lưới đổi mới sáng tạo ASEAN.
Theo giới chuyên gia kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số khu vực ASEAN có điểm thuận lợi đặc trưng là có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông rất phát triển, đầy tính sáng tạo. Bên cạnh đó là việc nền kinh tế internet đang phát triển nhanh chóng, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tràn đầy năng lượng và lượng dân số trẻ khổng lồ khiến Đông Nam Á trở thành một khu vực đầy hứa hẹn để nhảy vọt trong làn sóng kỹ thuật số.