Tín hiệu tích cực
Phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ về chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bà Katherine Tai cho biết hai bên đang nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa Boeing và Airbus cũng như giải quyết vấn đề về tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực thép và nhôm. Giải pháp cho cả hai đều nằm trong tầm tay. Ngoài ra, theo bà Tai, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các nước cùng mục tiêu muốn thúc đẩy cải cách các quy định và thủ tục của tổ chức này.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với EU do cựu Tổng thống Donald Trump phát động nằm trong chiến lược áp đặt thuế quan nhằm thay đổi chính sách và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ áp thuế đối với mặt hàng thép, nhôm và các hàng hóa khác của châu Âu, ngược lại EU cũng trả đũa bằng cách áp đặt lên một số mặt hàng của Mỹ. Ngoài ra, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và EU còn liên quan tới vấn đề trợ cấp giữa hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của EU.
Tuyên bố trên cho thấy căng thẳng thương mại EU - Mỹ đang có triển vọng hạ nhiệt. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định, việc cả Mỹ và EU đều cam kết tập trung giải quyết các bất đồng còn tồn tại đã mang đến một tin tốt lành đối với các ngành kinh doanh, công nghiệp hàng không vũ trụ ở cả hai bờ Đại Tây Dương và là tín hiệu tích cực cho hợp tác kinh tế Mỹ - EU trong những năm tới.
Trước đó, Brussels và Washington cũng đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Thỏa thuận này là bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang tranh chấp thương mại giữa hai bên. Quyết định ngừng áp thuế theo kiểu “ăn miếng trả miếng” của các nhà lãnh đạo Mỹ và EU làm giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất máy bay, vốn đang điêu đứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thống kê của Airbus cho thấy, hãng này lỗ ròng 1,3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi Boeing có kết quả kinh doanh đáng buồn với tổng thiệt hại trong cả năm 2020 lên đến 11,9 tỷ USD.
Sự hợp tác cần thiết
Đánh giá về triển vọng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, bà ủng hộ việc tiến tới một hiệp định thương mại giữa EU và Mỹ. Tất nhiên còn có rất nhiều việc phải làm để đạt được hiệp định này, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay, nhưng thế giới luôn cần những mối quan hệ đối tác. Chính phủ Đức rất vui mừng đối với chính sách “Nước Mỹ trở lại” của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho sự hợp tác giữa EU và Mỹ trong cuộc ganh đua với Trung Quốc và Nga.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với các thách thức gay gắt chưa từng có như hiện nay còn EU cũng nhọc nhằn tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh. Việc hai bên “hạ nhiệt” căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, sự kiện ngừng áp thuế lẫn nhau còn mở đường cho Mỹ và EU khôi phục, phát triển nhiều nội dung hợp tác toàn cầu khác về an ninh, chống biến đổi khí hậu..., vốn bị đình trệ hoặc gián đoạn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh nền kinh tế EU và Mỹ có dấu hiệu phục hồi tích cực. EU đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm 2022. Theo Ủy ban châu Âu, tăng trưởng kinh tế trong EU có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 3,8% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 2. Dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nền kinh tế Mỹ trong năm nay có khả năng tăng trưởng 7%, mức nhanh nhất trong gần 40 năm qua.