Cuộc triển lãm tranh lấy chủ đề “Nguyễn Tư Nghiêm - Đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây", nằm trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Đà Lạt 2024, do Vietnam Youth Music và Vietfest đồng sáng tạo, tổ chức.
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm trong bộ tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng yêu hội họa tại Đà Lạt.
Bộ tranh 12 con giáp được họa sĩ sáng tác trong khoảng thời gian từ 1993 đến 2011, với chất liệu bột màu trên giấy dó. Bộ tranh 12 con giáp thuộc bộ sưu tập tranh của pianist Trần Lê Bảo Quyên - chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân (cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm).
Nguyễn Tư Nghiêm được biết đến là một trong bộ tứ hội họa Việt Nam hiện đại, mà giới sưu tập tranh thường gọi “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái). Ông học hết năm thứ tư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 1941 – 1945.
Theo nhiều nhà sưu tập tranh Đông Dương và giám tuyển hội họa, trong nền nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Tư Nghiêm là trường hợp rất đặc biệt. Ông không chỉ là một họa sĩ bậc thầy; hơn thế, bằng các suy tư, nghiên cứu sâu sắc ở góc độ văn hóa thị giác, ông đã sáng tạo một cách nghiêm túc không ồn ào nhưng cũng đầy kiên quyết và rất nhất quán, mở ra một cuộc đối thoại, hay có thể nói, một sự tranh luận, phản biện về chủ đề bản sắc “Đông - Tây” - một chủ đề quan trọng của nghệ thuật đương đại thế giới.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 (một số nguồn ghi 1918, 1919) tại Nghệ An, mất năm 2016. Năm 1948 ông đạt Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật kháng chiến với tác phẩm: Du kích làng Phù Lưu (khắc gỗ)…