Nghệ sĩ Nghĩa Đặng chia sẻ: “Tiêu đề triển lãm sẽ mang đến cho người xem một cảm giác mông lung vô định, vấn vương khó tả như khi ta thức dậy sau một giấc ngủ. Hồi ức mơ hồ, cảm giác xen lẫn cảm xúc chòng chành, tàn tích của những biểu tượng khi ta cập bờ tỉnh giấc. Cảm giác sắp vén màn bí mật nhưng chẳng bao giờ chạm tới khẳng định, giống như khi nghe một giai điệu ai đó ngân nga - liệu đây có phải là mơ?”…
Và đó cũng là hành trình nghệ thuật của Nghĩa Đặng, khảo sát mối quan tâm bền bỉ của nghệ sĩ xoay quanh cách tâm trí được kiến tạo cũng như khả năng tạo tác hình ảnh của trí óc. “Nghệ sĩ không đơn giản sáng tạo theo bản năng hay hướng đến giải tỏa, mà thông qua việc sử dụng chính bản thân mình như chủ thể trong thực hành, người nghệ sĩ có thể thấu rõ và mổ xẻ những mối liên kết đằng sau tâm trí và tác phẩm của mình”, nghệ sĩ Nghĩa Đặng nói thêm.
Khán giả Phan Lê Hoài Linh (28 tuổi, kiến trúc sư cảnh quan, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Mặc dù quá trình sáng tác của mỗi nghệ sĩ luôn khơi dậy sự thích thú của khán giả - đời sống cá nhân lẫn những biến cố trong đời nghệ sĩ đôi khi được sử dụng như một góc nhìn trộm để đọc tác phẩm của họ - nhưng chúng ta không nên nhìn nhận những hình ảnh này chỉ dựa trên bề mặt và diễn giải của mình. Một khi ta từ bỏ việc giải mã bất cứ điều gì trong miền vô thức qua các tác phẩm của Nghĩa Đặng, ta buộc phải lùi một bước để nhìn vào những khả năng phổ quát của quá trình dựng hình, nhìn vào cảm giác nội tại trong chúng ta; hoặc có khi, một cách gián tiếp qua tiềm thức, ta bắt đầu nhận ra những khuôn mẫu trong tâm thức mình”.
Nghệ sĩ Nghĩa Đặng sinh năm 1994, tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Studio Art tại Học viện Nghệ thuật Chicago năm 2018, hiện là giảng viên bộ môn Nghệ thuật và Lịch sử mỹ thuật tại Trường Đại học Hoa Sen, TPHCM.