Gốm Thành Lễ là dòng gốm ra đời tại Việt Nam vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, đây là dòng gốm tiêu biểu cho sự bùng phát của nghệ thuật tạo hình trẻ của Việt Nam, được đánh giá là sự pha trộn giữa truyền thống mỹ thuật dân tộc với trào lưu art-deco đang thịnh hành trên thế giới khi đó.
Các sản phẩm gốm Thành Lễ mang đậm hình ảnh, phong tục tập quán của người Việt, như sản phẩm bình gốm “Thiếu nữ du xuân” với chiếc áo dài cách tân ngày đó, áo bà ba; cụ đồ viết chữ trong tranh “Xin chữ ngày Tết”; tình yêu thương gia đình qua bức tượng gốm “Chị cõng em”.
Dù mang hình ảnh cổ truyền nhưng tạo hình của gốm Thành Lễ lại theo phong cách hiện đại của thập niên 1950-1960 với những hình khối, đường nét dứt khoát và mạnh mẽ, thuộc trường phái hội họa lập thể. Điều đó khiến các sản phẩm gốm Thành Lễ mang tính sáng tác nghệ thuật hơn là một sản phẩm thương mại.
Ngoài ra, một điểm nhấn quan trọng khác của sản phẩm Thành Lễ là màu men khá đặc biệt, ngay cả hiện nay cũng ít sản phẩm gốm có được. Điển hình là màu men hồng cánh sen, lavender, xanh trổ đồng (men màu có sự kết hợp của mạt đồng kim loại để pha chế), hay màu men đen huyền thoại lấp lánh ánh xà cừ.
Những tác phẩm gốm Thành Lễ sẽ được trưng bày tại Đường sách TPHCM từ 19 đến 25-3. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các bộ sưu tập về sách quý hiếm, quạt cổ Marelli, tờ nhạc xưa, phụ bản tranh…