Triển lãm Gặp gỡ 2024 - cầu nối giữa những trái tim yêu nghệ thuật

Triển lãm Gặp gỡ  2024, trưng bày 33 tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu của 2 họa sĩ Đỗ Hữu Khôi và Phạm Văn Trọng đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66, Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Triển lãm "Gặp gỡ" 2024- cầu nối giữa những trái tim yêu nghệ thuật. Ảnh: QUANG PHÚC
Triển lãm "Gặp gỡ" 2024- cầu nối giữa những trái tim yêu nghệ thuật. Ảnh: QUANG PHÚC

Họa sĩ Phạm Bình Chương, trưởng nhóm Hiện thực - Giám tuyển triển lãm chia sẻ, sự kết hợp của hai tác giả rất tình cờ nhưng lại cùng phong cách vẽ ấn tượng. Sự kết hợp này mang tới cái chạm của sự đổi mới, có một chút hồn nhiên, một chút già dặn, một chút non nớt...

“Điểm mạnh trong tranh của Đỗ Hữu Khôi là màu sắc. Tự học thời gian dài đã mang lại hiệu quả đặc biệt, màu sắc trong tranh của anh vừa trong trẻo, vừa có chiều sâu nghệ thuật. Anh dùng màu tương đối nổi bật, giá trị biểu đạt của màu nóng, màu lạnh và cách hòa sắc tinh tế", họa sĩ Phạm Bình Chương nhận xét.

1e59aa8c1418b146e809.jpg
Tác giả Đỗ Hữu Khôi và những người bạn yêu nghệ thuật. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo họa sỹ Trang Thanh Hiền, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, màu là một thế mạnh trong những tác phẩm của Đỗ Hữu Khôi. Không quá chú trọng đến kỹ thuật, bố cục lẫn hình họa nhân vật, mọi thứ trên tranh của Đỗ Hữu Khôi dường như vụng về một cách tự nhiên không gò ép; đặc biệt là những tranh tự họa chính mình, khi già, khi trẻ, khi suy tư, khi yêu đời.

"Những bức tranh Đỗ Hữu Khôi vẽ nhân vật đơn hay đôi cũng vậy, giữa họ và không gian là một cuộc đối thoại tự thân khá thú vị. Xuyên suốt trong những tác phẩm này là một tâm hồn và tình yêu của riêng họa sĩ, chúng đủ tư chất cho một nhân cách hội họa", họa sỹ Trang Thanh Hiền nhận xét.

Đối với họa sĩ Phạm Văn Trọng, những bức tranh là nhiều lớp màu tương phản đan xen tạo nên cảm xúc về nắng, về gió, về sương hay cái se se lạnh lạnh của ánh trăng tĩnh tại. Xu hướng tranh của họa sĩ Phạm Văn Trọng còn có phần thiên về mô tả hiện thực. Tính bài bản trong kỹ thuật về tranh cũng được họa sĩ chú trọng như việc tạo nền, tạo chất hay diễn tả không gian xa gần.

ff2072e0cc74692a3065.jpg
Hai hoạ sĩ sẽ ủng hộ 10% số tiền bán các tác phẩm cho Quỹ nữ sinh vùng cao. Ảnh: QUANG PHÚC

Chia sẻ về triển lãm, họa sĩ Đào Hải Phong cho rằng, hai tác giả đã có sự kết hợp rất ăn ý và "phải rất yêu hội họa mới có thể hồ hởi trong lần hợp tác này". “Phạm Văn Trọng thiên về vẽ phong cảnh, thi thoảng có một vài tranh tĩnh vật, còn Hữu Khôi vẽ phụ nữ là chính, lấp ló tinh thần tranh tĩnh vật. Tôi không nghĩ Hữu Khôi lại vẽ tranh khổ to đến thế. Xem tranh, tôi thấy Hữu Khôi có độ "liều" của người ngoại đạo mà họa sĩ chuyên nghiệp đôi khi cũng rất cần", họa sĩ Đào Hải Phong chia sẻ.

tranh son dau.jpeg
Tác phẩm Chuyện trò (số 6, sơn dầu trên vải, 110x150 cm) của tác giả Đỗ Hữu Khôi

Họa sĩ Đào Hải Phong nhận định, hội họa có rất nhiều con đường và cách tiếp cận, Hữu Khôi chọn cách tổng thể. Xem tranh của Hữu Khôi không nên đứng quá gần. Các họa sĩ trên thế giới cũng có kiểu tranh như thế. Hữu Khôi là người chịu khó xem tranh và ra bảo tàng nước ngoài trau dồi kiến thức. Chính vì thế, Hữu Khôi rất thông minh khi chọn lối vẽ tổng thể cho tranh.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 6-8 tại tầng 1 Nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục