Sáng 31-8, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận tổ chức trưng bày, triển lãm với chủ đề “Di sản văn hóa Bình Thuận kết nối các vùng, miền”. Đây là sự kiện mang tính liên vùng nằm trong chuỗi các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.
Trưng bày, trình diễn nghề làm gốm của người Chăm Bình Thuận |
Đợt trưng bày, triển lãm lần này là dịp để các tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, sản vật đặc trưng, tiêu biểu của địa phương mình đến với nhân dân, du khách trong và ngoài nước; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và du lịch tỉnh Bình Thuận nói riêng và các địa phương nói chung cùng phát triển.
Thông qua các hiện vật, tài liệu, hình ảnh, sản vật đặc trưng, tiêu biểu của địa phương do bảo tàng các tỉnh, gồm: Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh và TP Đà Nẵng mang đến, người dân và du khách có dịp tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt mang tính vùng, miền.
Du khách thích thú xem nghệ nhân biểu diễn công đoạn in tranh Đông Hồ của tỉnh Bắc Ninh |
Đồng thời, qua đó cũng phản ánh về tự nhiên, xã hội, vùng đất, con người, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên các vùng, miền của đất nước.
Đối với tỉnh Bình Thuận, đây là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, với 35 dân tộc anh em chung sống; có 4 dân tộc tại chỗ có dân số khá đông là Chăm, Raglai, K'Ho và Chơ ro.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 28 di tích quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh tại buổi triển lãm |
Đặc biệt, Bình Thuận có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, đó là: Loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử các tỉnh phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.