Trong hội họa, hình mẫu được định nghĩa là những cấu trúc lặp đi lặp lại có tính quy tắc, là một biểu hiện trực quan của các quy luật trật tự trong tự nhiên và xã hội. Hình mẫu có khả năng liên kết giữa cá nhân với cộng đồng, giữa con người với thế giới vật chất và văn hóa; phản ánh ý thức hệ xã hội, chính trị, hoặc văn hóa. Ngoài ra, hình mẫu gần như không tồn tại đơn thuần mà chúng còn được liên kết với nhận thức văn hóa và bối cảnh xã hội.
Tại triển lãm Đa điểm, 4 nghệ sĩ có cách nhìn nhận và phương thức thể hiện khác nhau, nhưng dường như có điểm chung là đang khảo nghiệm các hình mẫu thông qua thực hành nghệ thuật của mình. Hình mẫu ở đây không chỉ theo nghĩa thẩm mỹ như hoa văn, mà còn là mẫu hình xã hội, lịch sử, và nhận thức.
Họa sĩ Nguyễn Việt Cường khám phá hình mẫu họa tiết chạm khắc tại chùa Thái Lạc ở xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với phương pháp đốt nhang và bút lửa để chạm khắc lại lên sách “Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam”. Chùa Thái Lạc là nơi thờ Phật và thần Pháp Vân - một trong bốn vị thần Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) có nguồn gốc ở vùng Dâu (tỉnh Bắc Ninh). Chùa nổi tiếng vì có các bức chạm gỗ từ đời Trần. Tác phẩm là cách mà anh nhận thức, kết nối với các mẫu hình thể hiện tinh thần tín ngưỡng của người Việt xưa với ước vọng của cư dân nông nghiệp cầu mong sự phồn thực no đủ, xã hội thịnh vượng phồn vinh, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.
Họa sĩ Bảo Nguyễn lại thể hiện nhận thức của mình về các hình mẫu hoa văn mang tính thời gian. Bằng cách kết hợp hình tượng vua chúa quyền quý với họa tiết, sắc màu nổi bật và đan xen những biểu tượng của sự xa xỉ hiện nay, Bảo Nguyễn bày tỏ đây là cách anh khám phá hình mẫu nhận thức, cách mà người xem cảm nhận và tạo ra ý nghĩa khi tiếp xúc với các tác phẩm của mình.
Họa sĩ Quang Tiến khám phá hình mẫu chạy trên đồng của loài vịt bằng cách quan sát và sắp xếp lại những tri nhận của bản thân, với phép ẩn dụ cho một xã hội nơi con người dễ dàng bị cuốn theo dòng chảy chung, nơi mỗi cá thể cần phải định vị được bản thân.
Họa sĩ Tăng Nguyễn thể hiện và khám phá hình mẫu nhận thức của bản thân về nội tâm và tư duy tự nhiên. Bằng cách hình tượng hóa cảm nhận của anh về các đối tượng, hiện tượng và thiết lập lại cấu trúc biểu hình, anh cũng đã đồng thời khám phá và đối thoại, liên kết với người xem về hình mẫu nhận thức, thiên kiến.
Thích thú trước những tác phẩm lạ mà quen, chị Phan Hoài Thương (36 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ: “Xem qua các tác phẩm làm người ta hứng thú ở một bức tranh lạ, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy thật nhiều chi tiết quen thuộc, có thể là chi tiết chạm trổ rất quen, thường thấy trong đình làng, hoặc ngẫu hứng đâu đó trong các vật dụng hàng ngày. Mỗi họa sĩ một phong cách sáng tạo, từ những chi tiết quen, mang đến cho người xem cảm giác lạ”.