![Nhóm hoạ sĩ: Anh Bach (Bạch Hoàng Anh), Mina Ho Ferrante (Hồ Mộng Nhã Uyển), Tim Nguyen (Nguyễn K Quy), Ly Tran (Trần Phương Ly) 4 hoa si (2).jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rptsvhu/2025_02_14/4-hoa-si-2-5590-7411.jpg.webp)
Họa sĩ Hồ Mộng Nhã Uyển kể: “Một buổi trưa, tôi nhận được một cuộc gọi của một người tên Tim. Tôi chưa từng gặp Tim, chỉ theo dõi tranh của anh trên mạng và thỉnh thoảng gửi một dòng bày tỏ sự ngưỡng mộ về những bức tranh mang đậm màu sắc của trường phái hậu ấn tượng (post-impressionism) và chủ nghĩa nguyên thủy (primitivism). Sau vài phút trao đổi, Tim hỏi tôi có muốn một ngày nào đó cùng về Việt Nam vẽ và triển lãm không?”. Và cuộc triển lãm “Chào Việt Nam” hình thành ý tưởng, kết nối những họa sĩ còn lại trong nhóm đến với cuộc trưng bày lần này.
![Tác phẩm của họa sĩ Trần Phương Ly trưng bày tại triển lãm tranh cua Ly Tran (2).jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rptsvhu/2025_02_14/tranh-cua-ly-tran-2-7424-7192.jpeg.webp)
Họa sĩ Trần Phương Ly kể thêm: “Chúng tôi từ những người không quen biết, sống ở những múi giờ khác nhau, thông qua nghệ thuật đã kết nối để cùng trở về. Và cứ như vậy, 4 anh chị em cùng hẹn nhau trở về quê hương để Chào Việt Nam”.
![Tác phẩm của họa sĩ Bạch Hoàng Anh trưng bày tại triển lãm tranh cua Anh Bach (1).jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rptsvhu/2025_02_14/tranh-cua-anh-bach-1-41-8289.jpeg.webp)
Trong triển lãm lần này, họa sĩ Bạch Hoàng Anh trưng bày các tranh vẽ về phụ nữ trong đời thường, họ hiện diện trong khoảnh khắc đẹp đẽ, yên bình, viên mãn. Đó có thể là khoảnh khắc ngồi đọc sách, trang điểm, phơi nắng, hoặc lang thang chụp hình… thể hiện qua màu sắc nhẹ nhàng và hình hài ước lệ.
![Họa sĩ Nguyễn K Quy mang đến những tác phẩm diễn tả lại cuộc sống thường ngày của người dân Hawaii tranh cua Tim Nguyen (1).jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rptsvhu/2025_02_14/tranh-cua-tim-nguyen-1-1540-126.jpeg.webp)
Họa sĩ Nguyễn K Quy mang đến những tác phẩm diễn tả lại cuộc sống thường ngày của người dân Hawaii, nơi anh đang sinh sống. Tranh của Trần Phương Ly theo phong cách hiện thực ý niệm. Đó là một dạng hiện thực, có hình gần như thực, nhưng cái hiện thực ấy không phải là chân thực, là thực tế, mà là hiện thực của cái suy nghĩ, cái mơ mộng, được thể hiện ở bút pháp, ở bố cục, nhiều khi người xem có chút gì đó cảm thấy phi lý, xa rời thực tế. Ly Tran luôn vẽ những suy nghĩ, cảm xúc, khát vọng… qua những hình mẫu thực.
![Tác phẩm của họa sĩ Hồ Mộng Nhã Uyển tranh Mina Ho Ferrante (1).jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rptsvhu/2025_02_14/tranh-mina-ho-ferrante-1-7278-6190.jpeg.webp)
Họa sĩ Hồ Mộng Nhã Uyển sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Chị tổ chức triển lãm tranh lụa cá nhân đầu tiên khi 21 tuổi. Năm 2017, chị tổ chức một triển lãm cá nhân khác tại TPHCM, bán được 25/30 bức tranh và quyên góp một phần doanh thu cho các hoạt động thiện nguyện.
![Tác phẩm của họa sĩ Hồ Mộng Nhã Uyển tranh Mina Ho Ferrante (3).jpeg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rptsvhu/2025_02_14/tranh-mina-ho-ferrante-3-3820-8318.jpeg.webp)
Sau khi tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật (BFA) tại Học viện Nghệ thuật San Francisco, chị được chọn tham gia chương trình huấn luyện hoạt hình của Walt Disney. Tranh của chị đã được trưng bày tại các tổ chức danh tiếng như: Bảo tàng Haggin, Bảo tàng Trion, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng… Càng về những năm sau này, tranh của chị thường thể hiện con thuyền, bến nước, dòng kênh, bờ biển… mà ai xem qua đều nhận ra đó là hình ảnh của quê hương Việt Nam.