Triển lãm Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 - Nhiều cảm xúc

Ngày 8-9, lần đầu tiên những hiện vật, tư liệu, hình ảnh gốc về cải cách ruộng đất (1946 - 1957) chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề với quy mô lớn mang tên Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (ảnh).
Triển lãm Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 - Nhiều cảm xúc

Ngày 8-9, lần đầu tiên những hiện vật, tư liệu, hình ảnh gốc về cải cách ruộng đất (1946 - 1957) chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề với quy mô lớn mang tên Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (ảnh).
 

Với diện tích trưng bày khoảng 230m², triển lãm giới thiệu gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương, như: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II, III, Bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình…

Nội dung của triển lãm được chia thành nhiều phần nhỏ, như: Tình hình ruộng đất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất; cải cách ruộng đất; sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm... để người xem dễ dàng có cái nhìn tổng thể về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc.

Sau tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện cải cách ruộng đất - một nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhằm xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của phong kiến địa chủ, chia ruộng cho dân nghèo...

Ngay khai mạc, triển lãm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế, nhất là các bạn trẻ. Nếu như các bạn trẻ đến với triển lãm với tâm trạng tò mò, háo hức tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử nhiều dấu ấn với hình ảnh của những căn nhà mái tranh, vách đất, với những chiếc quần thâm vá đụp, thẻ thuế thân, sổ ruộng đất… thì với những người mái tóc nhuốm màu năm tháng khi đến đây có tâm trạng thật khó diễn tả.
 
PGS-TS Nguyễn Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết: Giá trị của triển lãm này không chỉ là ở những hiện vật có giá trị, mà còn thể hiện sự cởi mở trong cách tiếp cận những giai đoạn lịch sử đã qua. Trước đây, khi nói đến vấn đề cải cách ruộng đất, chúng ta vẫn e ngại vì nó phức tạp. Nhưng đây là những vấn đề của lịch sử và nó đã diễn ra rồi vì thế việc trưng bày, giới thiệu rộng rãi tới công chúng không chỉ góp phần giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ mà còn có giá trị lịch sử, chứng minh một điều rất rõ ràng rằng, khi nào người nông dân được làm chủ trên mảnh đất của họ thì lúc đó, giá trị sản xuất nông nghiệp mới tăng.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết năm 2014.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục