
Tại cuộc trưng bày lần này, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn trưng bày 90 tác phẩm, chủ yếu là tranh lụa. Kể từ triển lãm cá nhân gần nhất vào năm 2021, sau khi thế giới đi qua trận đại dịch Covid-19, từ góc độ cá nhân, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ như thấy mình sống chậm lại hơn với những chiêm nghiệm về đời sống, đặc biệt là cuộc sống thị thành sôi động đương thời.
Bùi Tiến Tuấn bày tỏ: “Trong sự chiêm nghiệm ấy, trong tôi luôn có hồi tưởng về ký ức với những sáng tác suốt thập niên 1990 và những năm đầu thiên niên kỷ. Những hình ảnh hồi tưởng ấy liên hồi đan xen với những thước phim về đô thị phồn hoa không ngừng lột xác đang diễn ra trong tâm tưởng tôi. Tôi dùng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu lộ cái thế giới đang căng đầy trong tâm hồn mình. Chính vì vậy, sau 4 năm tôi mới quyết định trình làng triển lãm cá nhân lần thứ 12 với tên gọi “Một hành trình”. Hy vọng các nhà sưu tập, giới chuyên môn, các khán giả yêu nghệ thuật sẽ được thấy thêm nhiều khía cạnh khác của tôi, ngoài Tuấn của “tân mỹ nhân” trên lụa, mọi người sẽ thấy Tuấn của thời kỳ hậu sinh viên với sự trăn trở về hiện thực thị thành cùng những “hình nhân đường phố”, Tuấn nhuộm thắm và lật trở suy tư trên chất liệu giấy dó, Tuấn vừa trắc ẩn vừa phiêu bồng nơi “hội chợ phù hoa” với những bức tranh acrylic khổ lớn”…

Từ giai đoạn những năm 2010, Bùi Tiến Tuấn và vài họa sĩ khác đã bắt đầu hành trình nỗ lực hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm đã trở nên cũ kĩ, thậm chí ngay trong trường mỹ thuật, tranh lụa cũng có phần bị xem nhẹ. Đặc biệt, do thiếu nhân tố sáng tác mới, đủ hấp lực, tranh lụa cũng dần bị cộng đồng mỹ thuật quên lãng.

Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, với dấu ấn khá riêng biệt, nên cũng là điều dễ hiểu khi tên tuổi Bùi Tiến Tuấn thường được mặc định với chỉ riêng tranh lụa. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.
Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.

Nói về tranh của Bùi Tiến Tuấn, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ: “Ở thời điểm hiện nay, tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn đã khẳng định mình để trở thành một đại diện tiêu biểu của hội họa đương đại miền Nam, sau hơn hai mươi năm say sưa với chất liệu này. Trước thời điểm đó, lụa chưa được coi trọng như vậy trong các chất liệu tạo hình, với việc sáng tác và giảng dạy của mình, anh đã góp phần như một trong vài họa sĩ quan trọng mang lại cuộc phục hưng cho lụa, một chất liệu dịu dàng, thanh thoát, gần gũi với tính cách Việt cũng như tinh thần phương Đông. Truyền thống trong việc tiếp nối những phương pháp vẽ lụa của các thế hệ trước, cũng như sử dụng chất liệu lụa truyền thống quê nhà, đương đại trong chủ đề, cách nhìn con người và lối tạo hình”.