Đây là một trong những hoạt động đổi mới tiết sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống và phẩm chất cho học sinh theo mục tiêu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo cô Lý Thị Hồng Thắm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, giáo viên bộ môn Lịch sử phối hợp với hướng dẫn viên của bảo tàng giới thiệu cho học sinh những câu chuyện cảm động về tình yêu trong thời chiến, qua đó nêu bật ý nghĩa tốt đẹp của việc kết hợp tình yêu cá nhân và tình yêu quê hương, đất nước.
Sau đó, học sinh các lớp thuộc tổ hợp Khoa học xã hội sẽ làm bài thu hoạch sau khi dự triển lãm.
Học sinh chăm chú nghe hướng dẫn viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh giới thiệu về triển lãm ảnh |
Cô Nguyễn Thị Thu Sương, hướng dẫn viên Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết, thông qua các tư liệu hình ảnh, học sinh có cơ hội hiểu hơn về đề tài tình yêu trong chiến tranh.
"Tình yêu, một đề tài vốn đã rất đẹp, trở thành đề tài làm hao tốn biết bao giấy mực của các nhà văn, nhà thơ. Và tình yêu trong chiến tranh càng cao đẹp hơn nữa vì bên cạnh tình yêu đôi lứa còn gắn bó cả tình yêu đối với quê hương, đất nước, tình yêu của những con người sống có lý tưởng", cô Thu Sương bày tỏ.
Đó có thể chỉ đơn giản là tình đồng chí, đồng đội dành cho nhau trên bước đường hành quân hay những giây phút lặng yên nơi chiến tuyến, hoặc có thể là giây phút tình cờ gặp lại nhau trên con đường hành quân.
Tại triển lãm, học sinh được xem nhiều hình ảnh ý nghĩa như đám cưới thời chiến đơn sơ, mộc mạc giữa chiến khu của nhà báo Đinh Phong; kỷ vật tình yêu đơn giản là chiếc khăn quàng cổ bằng len mà nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Quế đan tặng chồng là cựu tù chính trị Phạm Quang Hồng...
Nhiều câu chuyện đẹp về tình yêu thời chiến đã chuyển tải đến học sinh |
Riêng với tác phẩm của họa sĩ Lê Điều, ông đã gởi gắm tình thương của mình đối với người vợ ở quê nhà qua bức tranh "Hoa sen". Hình ảnh hoa sen tượng trưng cho lòng trung kiên của tác giả đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, đồng thời ca ngợi tấm lòng thủy chung, son sắt của người vợ là bà Tống Thị Ba đang ở quê nhà tần tảo nuôi con, chờ đợi chồng ở ngày toàn thắng.
Đặc biệt, trong sự khắc nghiệt của chiến tranh, những khoảnh khắc đoàn tụ gia đình hiếm hoi như gia đình Đại tá Nguyễn Viết Tá, Thiếu tướng Phùng Đình Ấm, câu chuyện trùng phùng của Đại tá Nguyễn Thế Truyện và vợ là bà Dương Thanh Cầm tạo nhiều cảm xúc nơi người xem.
Thông qua hoạt động triển lãm tranh, học sinh không chỉ được khơi gợi về tinh thần yêu nước, lạc quan, ý chí kiên cường mà qua đó còn giúp các bạn trẻ ý thức được trách nhiệm nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và lao động, đóng góp sức lực và trí tuệ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Sau khi tham dự buổi triển lãm, Phạm Thu Hồng, học sinh lớp 12A18, Trường THPT Nguyễn Công Trứ bày tỏ: "Hoạt động thật sự có ý nghĩa. Em đã thực sự xúc động khi lắng nghe những câu chuyện, minh chứng thực của một thời kỳ lịch sử hào hùng. Vượt lên mọi khoảng cách giữa mưa bom, đạn lạc, các câu chuyện đẹp về tình yêu trong thời chiến tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng ngọt ngào, hạnh phúc, qua đó thể hiện lý tưởng sống, hoài bão và khát khao dâng hiến cho Tổ quốc".
Học sinh xúc động khi xem các bức ảnh được giới thiệu trong triển lãm tranh |
Thu Hồng nhận định, chỉ khi sống có lý tưởng thì tình yêu mới trở nên đẹp đẽ, đáng quý. Thông qua buổi tham dự, tình yêu chân chính ấy đã tiếp thêm lửa cho thế hệ trẻ các em càng thêm trân quý và cảm phục những hồi ức tình yêu đẹp của cha ông, đồng thời thúc đẩy các bạn học sinh tiếp tục trau dồi, tích luỹ kiến thức để góp phần dựng xây đất nước, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước chân chính.