Triển lãm 25 bản in kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng mỹ thuật Đông Dương

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), ngày 7-1, tại Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm và tọa đàm với chủ đề "Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương". Sự kiện tôn vinh di sản nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 1925-1945, thu hút sự tham gia của chuyên gia quốc tế, hậu duệ các họa sĩ nổi tiếng, nhà nghiên cứu và người yêu nghệ thuật.

Triển lãm 25 bản in kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng mỹ thuật Đông Dương
Triển lãm 25 bản in kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng mỹ thuật Đông Dương

Sự kiện triển lãm 25 bản in Giclée cao cấp (một kỹ thuật in ấn nghệ thuật cao cấp, sử dụng công nghệ phun mực kỹ thuật số để tạo ra các bản sao mỹ thuật chất lượng), từ kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… Sự kiện tổ chức theo hình thức mô phỏng lại không gian trưng bày của tác phẩm thật tại Nhà đấu giá Aguttes. Được tuyển chọn từ hơn 1.000 tác phẩm và 70 nghệ sĩ từng được thẩm định bởi nhà đấu giá này, những bức họa tái hiện lại cả một thời kỳ hoàng kim của hội họa Đông Dương, cũng như sự giao thoa tinh tế giữa hơi thở phương Tây và dòng chảy mỹ thuật Việt Nam giai đoạn trước 1945.

Sự kiện tọa đàm do bà Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật hiện đại châu Á, dẫn dắt. Là tác giả cuốn sách L'Art Moderne en Indochine, bà đã đóng góp quan trọng trong việc quảng bá các nghệ sĩ Đông Dương trên thị trường quốc tế. Các diễn giả như ông Hubert Lacroix, bà Anaïs Diez và ông Philippe Augier... sẽ chia sẻ sâu sắc về vai trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc định hình nghệ thuật hiện đại khu vực.

tọa đàm nghe thuat.jpg
Nhiều chương trình mạn đàm về "Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" sẽ được tổ chức

3 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề: quan hệ giữa Jacques Lebas và Victor Tardieu trong việc xây dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương; sự kết hợp kỹ thuật truyền thống Trung Hoa trong hội họa lụa và vai trò của giáo dục nghệ thuật đa văn hóa. Những câu chuyện từ hậu duệ các nghệ sĩ như Alain Le-Kim (con trai họa sĩ Lê Phổ) và nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm càng làm sáng tỏ giá trị di sản nghệ thuật này.

Sự kiện cũng công bố giải thưởng và học bổng đặc biệt dành cho sinh viên mỹ thuật, nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục phát huy di sản sáng tạo của các bậc thầy nghệ thuật. Với sự hỗ trợ từ Viện Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, chương trình dự kiến trở thành dấu mốc quan trọng, kết nối các thế hệ và làm sâu sắc thêm nhận thức về nghệ thuật hiện đại Đông Dương.

Tin cùng chuyên mục