Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc cho vay ưu đãi chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thí điểm từ nay đến năm 2025, Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay. Giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm đến năm 2030 tại các tổ chức tín dụng.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, mức lãi suất cho vay ưu đãi phải được giảm tối thiểu 1% so với lãi suất mà chủ thể đang tiếp cận. Hạn mức cho vay sẽ được mở rộng theo tính chất liên kết, quy mô sản xuất. Thời gian cho vay phù hợp với vòng quay và tiến độ, chu kỳ sản xuất kinh doanh, trồng lúa cũng như thu mua chế biến, tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc để các chủ thể (doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân) được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ chương trình là phải tham gia liên kết. Khi tham gia chuỗi sản xuất, các ngân hàng có thể không đưa ra yêu cầu sử dụng tài sản đảm bảo như trước đây. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi và ưu đãi dành cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao cũng như khuyến khích sự tham gia của các chủ thể để xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để triển khai nguồn vốn vay cho các chủ thể tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ NN-PTNT đã ký quyết định ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của công tác khuyến nông. Song song đó, bộ đã phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL xây dựng vùng chuyên canh thuộc đề án. “Bộ đã ban hành các tiêu chí huy động doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia đề án với nghĩa vụ, quyền lợi rõ ràng. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc bộ đang phối hợp với các địa phương để tập hợp. Bộ NN-PTNT sẽ phê duyệt danh sách và chính thức làm việc với Agribank để xây dựng cơ chế rõ ràng, triển khai chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao”, ông Nam cho hay.
Tính đến cuối tháng 9-2024, tín dụng ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành riêng Nghị định số 55/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có nhiều ưu đãi về mức cho vay không có tài sản bảo đảm; chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cơ chế xử lý nợ đặc thù; giảm lãi suất cho khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp… Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn 4%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lúa gạo.