Hội nghị có chủ đề "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới", được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu là các tỉnh, thành.
Tại đây Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những nội dung chủ yếu của quy hoạch được thể hiện qua 8 nội dung trong đó nêu rõ quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021-2030, mục tiêu phát triển đến năm 2030.
Các chỉ tiêu kinh tế như phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 6,5% - 7,5%/năm…
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: QUANG PHÚC |
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. Ngay sau hội nghị này, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện nghị quyết, trình Chính phủ ban hành.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: QHTTQG có ý nghĩa rất quan trọng và được xây dựng dựa trên định hướng QHTTQG đã được hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII thông qua tại kết luận số 45-KL/TW ngày 17-11-2022. Trung ương coi đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.
QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KT-XH và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển KT-XH của cả nước). Do đó, việc QHTTQG được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 là một bước quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81/2023/QH15.
Ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế; các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện QHTTQG, về cơ chế, chính sách, về thu hút đầu tư phát triển, về phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và môi trường, tài chính thực hiện quy hoạch… Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải.
Thủ tướng nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết số 81 của Quốc hội phải với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: QUANG PHÚC |
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong năm 2023, đảm bảo phù hợp, thống nhất và đồng bộ với QHTTQG.