Theo kế hoạch này, Chính phủ đề ra việc thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ cho công việc.
Cùng với đó, thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập. Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu.
Thực hiện phong trào thi đua sẽ có công nhận "Cộng đồng học tập" cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo tiêu chí do Bộ GD-ĐT ban hành.
Đối với hộ gia đình, dòng họ, có danh hiệu "Gia đình học tập" và "Dòng họ học tập" theo tiêu chí do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Đối với các doanh nghiệp (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), có danh hiệu được công nhận "Đơn vị học tập" theo tiêu chí do Bộ GD-ĐT ban hành.
Đối với cá nhân, được công nhận danh hiệu "Công dân học tập" theo tiêu chí do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành.
Hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương; Giấy khen.
Việc xét khen thưởng cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.