Liên hiệp quốc đã thông báo, thế kỷ 21, Việt Nam là một trong 5 nước ở khu vực Đông Nam Á sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, để giải quyết tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố, thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp công trình nhằm kiểm soát tình hình ngập lụt trên địa bàn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2010, thành phố đã thành lập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước để tham mưu và thực hiện các giải pháp nhằm từng bước xóa, giảm tình trạng ngập nước trên địa bàn. Sau 5 năm thực hiện, đã xóa được 140 tuyến đường ngập do mưa, 69 tuyến đường ngập do triều. Đến giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại khu vực trung tâm (diện tích 106,4km2, dân số khoảng 3,3 triệu người); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm (gồm các quận 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 6, 8). Đây là giai đoạn thành phố tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, thực hiện nhiều giải pháp công trình, phi công trình, giải pháp cấp bách để từng bước xóa, giảm ngập. Sau 5 năm thực hiện, thành phố đã xóa giảm được 45 tuyến đường ngập do mưa, 17 tuyến đường ngập do triều.
Không dừng lại ở đó, thành phố tiếp tục đầu các dự án thuộc Quy hoạch 1547. Xây dựng 8 cống kiểm soát triều lớn Vàm Thuật, rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. 68 cống nhỏ dưới đê, xây dựng 7,8km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 13km đê bờ tả sông Sài Gòn. Nạo vét, cải tạo các trục tiêu thoát nước chính như Thủ Đức, Ông Bé, Thầy Tiêu, Bà Lớn, Xóm Củi, Lung Mân.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, công tác chống ngập trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn thách thức, như các dự án lớn thuộc danh mục kêu gọi đầu tư hầu như rất ít được triển khai, thời gian chọn nhà đầu tư kéo dài; đặc biệt vấn đề xả rác, lấn chiếm hệ thống thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn trong công tác chống ngập.
Trao đổi về lĩnh vực này, kỹ sư cấp cao Vũ Hải, chuyên gia về lĩnh vực nước, môi trường và quy hoạch (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM), cho biết, để nhiệm vụ chống ngập đạt kết quả, thành phố cần lập ngay quy hoạch tổng thể thoát nước cho đến năm 2030, tầm nhìn 2050; rà soát lại các dự án thoát nước hiện nay do các dự án trước đây đã thiết kế quá lâu, hiện không còn phù hợp; nhanh chóng triển khai dự án “Đập ngăn triều thông minh kiểu mới” tại cửa sông Soài Rạp; các giải pháp chống ngập do mưa; giải pháp xử lý nước thải bảo vệ môi trường và nhanh chóng thay đổi tư duy, đổi mới thể chế, thiết kế điều hành quản lý hệ thống thoát nước đô thị. Phải chống ngập một cách toàn diện, đồng bộ để khắc phục tất cả các nguyên nhân gây ra, cả triều cường và mưa có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Ông Makoto Ibaraki - Cố vấn chính sách của JICA về lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải (Nhật Bản): Xây dựng các công trình chống ngập dưới mặt đất “Cùng với quá trình đô thị hóa, các đô thị của Nhật Bản cũng từng gặp phải những khó khăn do vấn đề thoát nước mưa và ngập lụt tương tự như các đô thị của Việt Nam hiện nay. Qua nhiều năm nỗ lực, các đô thị của Nhật Bản đã có nhiều giải pháp, công nghệ cả về phần cứng và phần mềm để giải quyết vấn đề này. Nhật Bản luôn khuyến khích các đô thị xây bể chứa nước ngầm dưới các công trình xây dựng lớn. Mỗi khi mưa lớn, nước sẽ được dẫn từ các trụ chứa tới bể chứa. Sau đó, người ta sẽ bơm nước từ bể chứa ra sông với các máy bơm công suất lớn để tránh ngập cho toàn thành phố. Ngoài ra, Nhật Bản áp dụng các giải pháp chống ngập như mở rộng, nạo vét sông nhằm tăng dung tích chứa nước. Đặc biệt là giải pháp xây đập, xây hồ để điều tiết lượng nước mưa nhằm giảm ngập lụt. Việc xây hồ điều tiết nước mưa và trạm bơm có mục tiêu cốt lõi là tăng công suất chứa nước mưa, giúp giảm ngập cho thành phố”. Ông Datuk Ir Abdul Kadir Monhd Din - Chủ tịch Hội Ngành nước (Malaysia): Đường hầm “2 trong 1” “Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nằm gần nơi hợp lưu của 2 dòng sông. Từ năm 2007, Kuala Lumpur đưa vào vận hành hệ thống đường hầm xử lý nước mưa và giao thông (SMART) nhằm giải quyết vấn đề lũ lụt ở Kuala Lumpur và cũng để làm giảm ùn tắc giao thông dọc theo cầu vượt Jalan Sungai Besi và Loke Yew tại Pudu trong giờ cao điểm. Đây là đường hầm đa năng dài nhất thế giới, với hầm chứa nước dài 9,7km và hầm giao thông dài 4km. Hầm giao thông được đặt ở phía trên, còn bên dưới là hầm chứa nước. Hệ thống hoạt động theo 3 chế độ. Nếu mưa ít và không có bão, hầm chỉ hoạt động như một tuyến đường bộ thông thường; nếu có bão vừa phải, hầm chứa nước được mở ra ở bên dưới để trữ nước mưa, xe cộ vẫn lưu thông ở phía trên. Nếu có bão lớn, các phương tiện sẽ bị cấm lưu thông. Sau khi chắc chắn tất cả phương tiện đã ra khỏi hầm, 2 cửa tự động sẽ được mở để đưa nước lũ đi vào cả phần hầm dành cho xe cộ. Khi lụt bão kết thúc, đường hầm được rửa sạch và mở cửa trở lại cho phương tiện lưu thông”. |