Báo SGGP xin tiếp tục giới thiệu ý kiến của chuyên gia, người dân góp ý giải pháp triển khai Nghị quyết 31.
PGS-TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM): TPHCM cần chủ động ưu tiên thực hiện 6 vấn đề
TPHCM có một vị trí địa kinh tế đặc biệt. Trong lịch sử phát triển, chính lợi thế này đã làm nên tên tuổi của vùng đất mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của thành phố, nhiều quyết sách đã ra đời, đáng chú ý là Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù. Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng các kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 30-12-2022, thể hiện sự đánh giá cao những thành tựu mà TPHCM đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc và nguyên nhân cần tập trung khắc phục. Nghị quyết 31 đặt ra yêu cầu cao về mục tiêu và tầm nhìn, về 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đây thật sự là niềm vui lớn và cũng là trọng trách lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM.
Để TPHCM phát triển theo định hướng Nghị quyết 31, ngoài việc cần có những đề xuất cụ thể về việc được phân cấp phân quyền với Trung ương, theo tôi, thành phố cần chủ động ưu tiên thực hiện một số vấn đề cụ thể sau: (1) Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt của quá trình phát triển, nhất là đào tạo đội ngũ lãnh đạo các cấp từ thành phố đến cơ sở. Đội ngũ này cần phải có sự hội nhập với quốc tế. Xây dựng cơ chế tuyển dụng người nước ngoài, các chuyên gia xuất sắc làm việc trong một số lĩnh vực phù hợp; (2) Hoàn thiện chính quyền đô thị để tạo cơ chế cho đội ngũ nhân lực vận hành; xây dựng văn hóa năng động và nghĩa tình của thành phố để làm nền tảng cho sự phát triển; (3) Trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ của thế giới hiện nay, khi mà công nghệ là nền tảng của nền kinh tế, thì thành phố cần đầu tư có tập trung, có nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong cải cách hành chính. Để làm được việc này, cần nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số; phát triển kho dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố; triển khai nền tảng số, hạ tầng số; phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; trước mắt, cần tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, sau đó triển khai đồng bộ theo lộ trình thích hợp; (4) Tăng cường công tác quy hoạch chiến lược, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; (5) Cần có sự đột phá trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thể hiện qua việc huy động nguồn lực của các trường đại học lớn tập trung ở TPHCM; (6) Đặc biệt, thành phố cần tận dụng và thực hiện tốt hơn nữa cơ chế thí điểm, chính sách vượt trội để phát triển TPHCM mà Quốc hội đã thông qua. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù, như: có chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư..., tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM: Nâng tầm VHNT của TPHCM
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, chúng ta phải coi trọng văn hóa. Lâu nay, TPHCM có một ưu điểm là rất nỗ lực xây dựng và phát triển về kinh tế để có một mức thu lớn, dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa coi trọng về các mặt văn hóa nói chung và VHNT nói riêng.
Bằng chứng là sau năm 1975, chúng ta có hơn 100 rạp chiếu phim, nhà hát, rạp biểu diễn sân khấu, có nhiều cơ sở vật chất cho văn hóa, nhưng đến nay số lượng đó không còn bao nhiêu. Sau Nhà hát Hòa Bình, chúng ta không xây dựng được công trình mới. Chúng ta đã bàn bạc nhiều về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhưng rồi 5 năm trôi qua cũng chưa xây được. Chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống thiết chế về văn hóa như bảo tàng, triển lãm, thư viện… So với sự phát triển về kinh tế rất lớn của TPHCM, phát triển văn hóa như vậy là không tương xứng.
Từ thực tế trên, TPHCM cần đầu tư xây dựng các công trình thiết chế về văn hóa, hệ thống nhà hát, nhà triển lãm, hệ thống bảo tàng… Song song đó, chúng ta phải xây dựng cho đội ngũ văn nghệ sĩ một bản lĩnh, trình độ để những tác phẩm của họ phù hợp với đường lối của Đảng nhưng cũng phải phù hợp với trình độ thưởng thức ngày càng cao của người dân. Cụ thể, TPHCM có thể đầu tư cho các tài năng trẻ bằng những suất học bổng, để họ được đi tu nghiệp ở nước ngoài, từ đó nâng cao dần trình độ về nghệ thuật, biểu diễn, sáng tác.
Bên cạnh đó, chúng ta không nên đầu tư dàn trải mà cần tính đến câu chuyện đầu tư có rủi ro, giống như trong lĩnh vực kinh doanh. Thay vì mở những trại sáng tác như lâu nay, với kinh phí đã có, chúng ta đầu tư 20% để kích cầu sáng tác. Nếu tác phẩm có giá trị cao, được giới chuyên môn cũng như công chúng công nhận và có số lượng phát hành/biểu diễn/công chiếu cao thì chúng ta thưởng cho tác giả thật xứng đáng, giống như nhiều nước trên thế giới đã làm.
Chúng ta phải nhìn nhận một thực tế: lâu nay TPHCM vẫn được xem là đầu tàu về kinh tế, đầu tàu về văn hóa nhưng trong lĩnh vực VHNT vẫn chưa có các tác phẩm đỉnh cao. Với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị lần này, tôi hy vọng rằng, những thể chế cụ thể hóa sẽ nâng tầm VHNT của TPHCM lên rất cao.
Chị VÂN THỊ MỸ LINH, ngụ quận Bình Tân, TPHCM: Giải quyết dứt điểm cảnh quá tải ở các bệnh viện
Qua báo đài, tôi được biết Trung ương vừa có nghị quyết mới để định hướng TPHCM phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Đây là một tin rất vui, không chỉ riêng đối với tôi mà còn cho mọi công dân của thành phố này.
Trong rất nhiều nội dung định hướng phát triển thành phố, tôi tâm đắc nhất vẫn là những nhiệm vụ, giải pháp phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố.
Một vấn đề đặt ra hiện nay rất nhức nhối, đó là giải quyết tình trạng thiếu giường bệnh, các bệnh viện quá tải. Ở một thành phố lớn như TPHCM, hàng ngày, hàng giờ trong các bệnh viện vẫn còn cảnh người dân xếp hàng chờ đợi khám, chữa bệnh từ đêm khuya; người bệnh từ lớn đến nhỏ nằm ngoài hành lang. Ngoài ra, tình trạng nhờ cậy, xin suất thăm khám ưu tiên, nằm phòng bệnh ưu tiên… tạo nên cảnh bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế hiện nay. Tôi nghĩ không ai mong muốn tình trạng này kéo dài ở một thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Tôi cho rằng, trước hết TPHCM phải giải quyết dứt điểm câu chuyện về chế độ đãi ngộ, thu nhập cho đội ngũ làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế hiện nay. Có như vậy, chúng ta mới vừa bảo đảm cho đội ngũ này an tâm làm việc, vừa thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước cũng như trên thế giới đến thành phố làm việc. Thành phố cũng cần đầu tư nguồn lực nâng cấp, xây mới nhiều bệnh viện để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Cũng như các lĩnh vực khác, TPHCM vẫn là nơi tiên phong, dẫn đầu trong các lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến giáo dục - đào tạo, y tế…; nhưng có lẽ qua nghị quyết lần này, mọi người cần thay đổi suy nghĩ trong việc so sánh TPHCM với các nơi khác trong cả nước. Bởi để phát triển thành phố xứng tầm với tiềm năng, vị thế thì phải so sánh với các thành phố phát triển khác trên thế giới. Có cách nhìn như vậy thì tôi tin tưởng thời gian tới, chúng ta sẽ có những giải pháp đưa thành phố phát triển vượt bậc, đủ sức cạnh tranh và đứng cùng hàng ngũ với các thành phố lớn khác trên thế giới hiện nay. Trong đó, thành phố muốn hướng đến nâng cao chất lượng sống người dân thì trước tiên phải nâng cao chất lượng dịch vụ ở lĩnh vực y tế.