Nghị định 45 sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8-2022, có điểm nào mới so với 2 nghị định trước đây và TPHCM sẽ triển khai thực hiện như thế nào? Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết: “Nghị định 45 được xây dựng kế thừa một số các quy định của Nghị định 155 và Nghị định 55 còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn xã hội về thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Nghị định 45 cũng có một số điểm mới như các hành vi phạm về thủ tục pháp lý môi trường được sửa đổi đồng bộ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; cách thức buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp; hướng dẫn cách xác định lưu lượng xả thải; hướng dẫn rõ hơn về xử phạt mẫu chất thải có nhiều thông số vượt quy chuẩn; quy định cụ thể hơn, đầy đủ hơn về xác định thời hiệu xử phạt các hành vi vi phạm; quy định rõ hơn về đối tượng bị xử phạt do vi phạm không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, không phân loại, quản lý, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; mức phạt không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và vệ sinh nơi công cộng có điều chỉnh giảm để phù hợp tình hình chung; phân cấp cho quận và Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) trong việc buộc đình chỉ hoạt động và cưỡng chế thi hành.
Bên cạnh những điểm mới nêu trên, qua nghiên cứu nhận thấy còn một số nội dung cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn của Bộ TN-MT trong quá trình triển khai thực hiện, chẳng hạn như cách thức xử lý đối với vụ việc có nhiều hành vi vi phạm nhưng trong đó có hành vi không thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan đang kiểm tra; các hình thức buộc đình chỉ hoặc khắc phục hậu quả của một số hành vi vi phạm; chưa phân định hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn và gây ô nhiễm môi trường...
* PHÓNG VIÊN: Nghị định 45 sẽ áp dụng hình thức “phạt nguội” các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (trong đó có hành vi xả rác ra môi trường) thông qua việc trích xuất từ hệ thống camera. Bà đánh giá giải pháp này như thế nào?
* Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ: Nghị định 155 từ năm 2016 đã quy định cơ quan chức năng được xử phạt vi phạm hành chính bằng hình ảnh thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Tuy nhiên, do hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng (như xả rác, tiểu tiện) có tính đặc thù, khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm, trong khi UBND cấp huyện chưa có thẩm quyền sử dụng thiết bị theo quy định trên.
Do đó, với thực trạng này, để nâng cao công tác quản lý môi trường tại địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, thành phố đã có kế hoạch triển khai hướng dẫn trong việc sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera sẵn có để xử phạt gián tiếp. Trước mắt, đối với hình ảnh vi phạm được ghi nhận từ thiết bị kỹ thuật, sẽ tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp hoặc nhắc nhở thông qua tổ dân phố và sẽ xử phạt nếu người dân cố tình vi phạm.
Không dừng lại ở đó, để chấn chỉnh vi phạm xả rác như hiện nay, cần thiết có sự chung sức của chính quyền, đoàn thể, cán bộ địa phương, tổ dân phố và cảnh sát khu vực. Hơn ai hết, chính quyền địa phương phải là đơn vị trực tiếp thực hiện và phải có sự tham gia đồng bộ từ lãnh đạo đến người dân, nếu không thì có lắp camera cũng không phát huy được hiệu quả.
Ngoài lực lượng công an nhân dân, cán bộ UBND cấp xã, cán bộ chuyên trách môi trường thuộc UBND cấp huyện, thành phố cũng đã chấp thuận cho lực lượng quản lý trật tự đô thị, đội thanh tra xây dựng địa bàn được lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
* Nghị định 45 cũng quy định rõ, nếu người dân không phân loại rác tại nguồn có thể bị phạt tới 1 triệu đồng, giải pháp này đã đủ mạnh để người dân chủ động thực hiện, thưa bà?
* Công tác phân loại rác tại nguồn đã được quy định cụ thể về thời gian triển khai thực hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện nay, thành phố cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện và xây dựng lộ trình phù hợp theo quy định.
Qua kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện thành công công tác phân loại rác tại nguồn là sự đồng thuận của người dân và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải được đầu tư đầy đủ, đồng bộ (trang thiết bị, phương tiện lưu chứa; tần suất và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại từ các điểm tập kết về các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý…). Mặt khác, phân loại rác tại nguồn muốn có hiệu quả phải gắn với công nghệ xử lý. Có nhiều người đã đặt câu hỏi, phân loại ra để làm gì? Vì vậy, cần phải lựa chọn công nghệ phù hợp (làm phân compost hay đốt rác phát điện).
Trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên truyền, giải thích để người dân thấy được giá trị, những lợi ích mang lại từ việc phân loại rác tại nguồn và chủ động tham gia, từng bước thay đổi thói quen hàng ngày trong cộng đồng dân cư đang được ưu tiên (các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tại tổ mình, phụ nữ tuyên truyền cho phụ nữ, trường học tuyên truyền cho trường học, thanh niên tuyên truyền cho thanh niên...). Khi đã tuyên truyền sâu rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đã được đầu tư đồng bộ mà người dân vẫn không tuân thủ thì mới tính đến chuyện xử phạt.
* Từ ngày 25-8 tới, Nghị định 45 chính thức có hiệu lực, vậy TPHCM đã triển khai các bước thực hiện Nghị định này đến đâu, thưa bà?
* Sau khi Nghị định 45 được ban hành, Sở TN-MT TPHCM cũng đã có Công văn số 5572/STNMT-TTr triển khai Nghị định 45 đến UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, HEPZA, Ban Quản lý khu công nghệ cao và Công an TPHCM.
Trong thời gian từ đây đến ngày Nghị định 45 có hiệu lực thi hành, các cơ quan sẽ nghiên cứu những điểm mới, chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn thành phố. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, khó khăn sẽ thông tin về Sở TN-MT TPHCM để phối hợp tháo gỡ hoặc đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn.