Sở GD-ĐT sẽ xây dựng và sớm ban hành kiến trúc tổng thể về CNTT của ngành GD-ĐT thành phố làm căn cứ để triển khai các ứng dụng CNTT của ngành trên cơ sở phù hợp với hướng dẫn triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông của Bộ GD-ĐT, đồng thời phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử, đô thị thông minh của TPHCM.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện Đề án “Phát triển và ứng dụng CNTT trong ngành GD-ĐT TP HCM giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Sở GD-ĐT sẽ tập trung xây dựng các giải pháp: Xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD-ĐT nhằm triển khai hạ tầng CNTT đồng bộ, một số giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của ngành GD-ĐT thành phố.
Theo đó, trung tâm điều hành được coi là bộ não của mô hình trong đó góp phần hiện đại hóa, số hóa các tiện ích trong lĩnh vực GD-ĐT cho các cấp quản lý, nhà trường và người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các tiện ích này có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực GD-ĐT.
Đồng thời, ứng dụng và phát triển các tính năng thông minh để tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, góp phần hoàn thiện chính phủ điện tử, xây dựng mô hình quốc gia thông minh, đô thị thông minh.
Cùng với đó, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng mô hình trường học thông minh trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử để triển khai thí điểm tại 5 trường THPT: Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong; THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa; THPT Lê Quý Đôn; THPT Nguyễn Hiền; THPT Nguyễn Du (giai đoạn 2018 - 2020) để làm cơ sở phát triển nhân rộng mô hình trường học thông minh trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, TP sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, công tác dạy và học cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thành phố”, đảm bảo giáo viên thành phố đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp về tin học. Xây dựng đề án phổ cập và nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho học sinh và giáo viên thành phố theo chuẩn tin học quốc tế…