Kế hoạch hành động được các nhà quan sát quốc tế nhìn nhận là công cụ quan trọng hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được Thủ tướng ban hành vào tháng 5-2017; là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.
Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030.
Đặc biệt, kế hoạch chỉ rõ vai trò của tất cả bên liên quan, từ các bộ ngành, địa phương đến tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, thời gian tới, để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung vào hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ; nâng cao nhận thức các cấp ngành và toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao và huy động nguồn tài chính trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cũng là những giải pháp được nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Các cơ quan Liên hợp quốc cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”.