Chương trình được triển khai từ ngày 22-4 đến khi công bố hết dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, tập trung vào nhóm đối tượng thanh niên công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc; thanh niên nông thôn; sinh viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn; thanh niên khuyết tật; người nghèo đô thị, người lao động tự do mất việc, đang bị bệnh hiểm nghèo.
Chương trình tập trung vào hoạt động hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu để ổn định cuộc sống hàng ngày và hỗ trợ việc làm, điều kiện sống, điều kiện học tập.
Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực được triển khai rộng rãi như thành lập 64 cửa hàng bình ổn giá; chương trình “Nghìn việc làm” hỗ trợ người lao động bị mất việc, nghỉ việc không lương; triển khai 100 chuyến xe hỗ trợ tiêu thụ nông sản của thanh niên nông thôn; cung cấp lương thực, thực phẩm trợ giá cho người dân...
Đặc biệt, chương trình cũng sẽ vận động các chủ nhà trọ miễn giảm giá thuê nhà trọ cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu đô thị.
Ngay sau lễ khởi động, Ban tổ chức triển khai chương trình “Triệu bữa cơm”, trao 93.000 “bữa cơm” cho 31.000 người có hoàn cảnh khó khăn tại 5 thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng; chương trình “Một triệu ly sữa” tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Thái Nguyên.
Cùng ngày, nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp bộ Đoàn triển khai đồng loạt trên toàn quốc: Khởi động hành trình “Hạt gạo yêu thương” tại Đồng Tháp; ATM gạo tại Khánh hòa, Đà Nẵng; khai trương cửa hàng 0 đồng tại Lâm Đồng...
Tại Hà Nội, Trung ương Đoàn triển khai “Gian hàng 0 đồng” ở Khu công nghiệp Nội Bà, cung cấp 1.000 suất nhu yếu phẩm miễn phí (trị giá 180.000 đồng/suất, gồm 10 kg gạo, bột canh, mì tôm) tới thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.