Theo ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Dự án Vietnam AI for Education Program (tạm dịch là Chương trình AI cho giáo dục Việt Nam), cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông hiện nay đang đứng trước nhiều trăn trở như: Làn sóng AI mang đến những thay đổi nào trong giáo dục? Nhà trường và giáo viên cần thay đổi cách dạy thế nào trước sự ảnh hưởng nhanh chóng của AI? Học sinh cần trang bị những kỹ năng, kiến thức gì để thích ứng với một tương lai nhiều thay đổi?
"Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão, nhiệm vụ chính của giáo viên không còn là cung cấp kiến thức cho học sinh mà phải tạo ra mối quan hệ hợp tác, thầy và trò cùng nhau kiến tạo kiến thức", ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương bày tỏ.
Trong đó, việc đưa AI vào trường học không phải đưa thêm một môn học mới về công nghệ vào trường phổ thông mà làm thế nào để AI trở thành trí tuệ cộng sinh cho đổi mới dạy và học.
Ở góc độ khác, ThS Lương Dũng Nhân, chuyên gia nghiên cứu và đào tạo về AI, cho biết, ngoài việc đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, AI còn là công cụ giúp giáo viên quản lý quá trình giảng dạy của mình tốt hơn, hiểu về sức khỏe tinh thần của học sinh.
Tuy nhiên, rào cản đầu tiên của giáo viên khi tiếp cận AI là hạn chế về khả năng công nghệ, sợ mình làm sẽ sai, từ đó ngại ứng dụng vào dạy học.
Các chuyên gia đều cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng AI vào trường học, ngoài việc chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng, không ngại học hỏi, các thầy cô giáo phải tự trang bị kỹ năng, kiến thức về AI vì đây là nền tảng không thể thiếu.
Từ thực tế đó, Dự án Vietnam AI for Education Program hướng đến các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng, công cụ cần thiết để giáo viên tích hợp AI vào trong lớp học, tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh.
Song song đó, dự án cũng góp phần thay đổi nhận thức của giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về AI thông qua các hoạt động đọc sách, hội thảo, trải nghiệm thực tế để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường về AI.
Theo báo cáo của UNESCO, quy mô thị trường cho AI trong giáo dục có giá trị 1,1 tỷ USD năm 2020, dự kiến sẽ tăng lên khoảng 6 tỷ USD vào cuối năm 2024, tăng trưởng 445% chỉ trong 4 năm.
AI hiện đang chứng minh vai trò rất quan trọng đối với những nỗ lực của UNESCO trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, đảm bảo giáo dục công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người dân.