Phát huy nguồn vốn đầu tư
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban QLDA), từ đầu năm đến nay hàng chục dự án hạ tầng giao thông vẫn triển khai thi công. Trong tháng 4 vừa qua, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban QLDA vẫn khởi công 14 dự án, gồm xây dựng cầu Mỹ Thủy 3, dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội, dự án xây dựng cầu thép An Phú Đông, dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, dự án nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát (giai đoạn 2), dự án xây dựng hệ thống thoát nước Hương lộ 11, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng khu vực kênh Nước Đen, dự án nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu, dự án nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống, dự án xây dựng cầu Kênh A, dự án xây dựng cầu Kênh B (Bình Chánh), dự án nâng cấp đường Liên tỉnh lộ 8, dự án xây dựng cầu Phước Lộc…
Bên cạnh việc khởi công các dự án mới, Ban QLDA đã cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác thi công 70 gói thầu thuộc 35 dự án chuyển tiếp tại 100 khu vực thi công trên địa bàn TPHCM. Đó là dự án cải tạo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án cải tạo cầu Chữ Y, dự án xây dựng hầm chui An Sương, dự án nâng cấp cải tạo đường Tô Ký, dự án cải tạo đường Liên Phường, dự án cải tạo đường Đỗ Xuân Hợp, dự án xây dựng cầu Phước Long, dự án xây dựng cầu Vàm Sát…
Ban QLDA cũng cho biết đã triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho 12 dự án giao thông trọng điểm khác. Theo đó, trong quý 2-2020, Ban QLDA sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công các dự án giao thông có quy mô đầu tư “rất khủng”, gồm dự án xây dựng tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh); dự án xây dựng nút giao thông An Phú (giai đoạn 1); dự án xây dựng các đoạn 1, 2, 4 để khép kín Vành đai 2; các dự án mở rộng cửa ngõ thành phố như các quốc lộ 1A, 50, 22; dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái…
Đánh giá về ý nghĩa của các dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách đã tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án được đầu tư, kịp thời giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Thu hút vốn đầu tư bằng nhiều cách
Hướng đến xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, TPHCM đã xây dựng và cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển giao thông đô thị bền vững qua từng giai đoạn; trong đó, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả... Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, bổ sung chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, đẩy mạnh kêu gọi và tập trung thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP); nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí...
Nhiều chuyên gia đề xuất, trừ những dự án Nhà nước bắt buộc phải đứng ra thực hiện do tính chất quan trọng hay do quy định của pháp luật còn lại xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác thực hiện, thành phố đóng vai trò thông qua việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo năng lực, giám sát triển khai đầu tư xây dựng… Mặt khác, tăng cường vai trò trung tâm của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó đẩy mạnh việc hợp tác với các địa phương trong kết nối thông suốt hệ thống hạ tầng giao thông.
Liên quan đến triển khai, giám sát các dự án đầu tư, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ KH-ĐT xây dựng dự thảo Luật PPP theo hướng cho phép nhà đầu tư được tự đề xuất giá sử dụng dịch vụ, ngân sách thành phố không bù dự án thua lỗ, nghĩa là “lời ăn lỗ chịu”. TPHCM cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục hỗ trợ trong việc vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn. Đối với việc chuyển tiếp cho các trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, TPHCM đề xuất quy định thêm điều kiện chuyển tiếp, cho phép nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành 100% việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở tự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất để làm cơ sở được chấp thuận chủ trương đầu tư.