Những tín hiệu vui
Long An là tỉnh có diện tích đất sản xuất lúa đứng thứ 4 ở khu vực ĐBSCL, nhất là có vùng chuyên canh lúa ở khu vực Đồng Tháp Mười (gần 300.000ha). Với lợi thế này, Long An có thuận lợi để triển khai Đề án tại 8 huyện, thị xã của tỉnh ở vùng Đồng Tháp Mười, như huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.
Ngay vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh cho tổ chức thực hiện vụ đầu tiên của Đề án tại các địa phương được chọn, tổng diện tích hơn 23.000ha. Trong đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) và HTX Dịch vụ Thương mại nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) được chọn thí điểm. Đến nay, tất cả diện tích thí điểm đã thu hoạch, năng suất và chất lượng lúa đều đạt hơn lúa sản xuất bình thường.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn, chia sẻ, nhiều năm nay, HTX là đơn vị chủ lực của địa phương về xây dựng cánh đồng lớn, liên kết 4 nhà, kết hợp thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán của người dân. Nhờ kiên trì theo các quy trình canh tác tiến bộ này mà hàng năm, lượng giống, nước tưới, phân bón… giảm đáng kể: lượng giống giảm còn dưới 100kg/ha, bơm nước tưới 5 lần mỗi vụ thay vì trước đây bơm 7-8 lần. Khi thực hiện Đề án trong vụ đông xuân vừa qua, HTX giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... Từ đó, thu được một số kết quả khả quan, nhất là giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Còn ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại nông nghiệp Cây Trôm, cho biết, thực hiện Đề án là cơ hội để HTX nâng cao chất lượng toàn bộ 500ha diện tích canh tác lúa của HTX, từ sản xuất theo hướng hữu cơ sang sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu. Vụ đông xuân 2023-2024, nhờ thực hiện Đề án mà giảm được chi phí, năng suất lúa của HTX đạt gần 8 tấn/ha, bán với giá từ 8.200-9.200 đồng/kg. Qua đó, giúp các thành viên HTX có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 15-20 triệu đồng/ha.
Cũng theo ông Tuấn, HTX đang phối hợp ngành chức năng địa phương đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo và phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ gạo để nâng cao giá trị gạo của HTX. “Với kinh nghiệm nhiều năm áp dụng phương pháp tưới ướt - khô xen kẽ, HTX có nhiều thuận lợi khi triển khai thực hiện Đề án, các thành viên của HTX đã quen với việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao trong sản xuất, nên hy vọng Đề án là hướng đi tốt cho bà con xã viên”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phát huy lợi thế sẵn có
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, giai đoạn 1 (2024-2025) của Đề án là tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn tỉnh với diện tích 60.000ha. Để triển khai thực hiện tốt giai đoạn này, tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai cho các huyện trong vùng Đề án, các sở, ban ngành liên quan.
Ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức tập huấn, xây dựng kế hoạch, phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định, kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn; củng cố các HTX, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp. Kết quả bước đầu thí điểm Đề án ở 2 huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng đã cho kết quả rất khả quan.
Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết thêm, hàng năm, huyện gieo sạ khoảng gần 90.000ha lúa. Năm 2024, diện tích tham gia Đề án là 6.660ha, tập trung tại các xã: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Hưng Thạnh, Thạnh Hưng, Vĩnh Châu A... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng lên 15.000ha diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; 70% diện tích được cơ giới hóa đồng bộ; 100% diện tích sản xuất có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Về thu nhập của người trồng lúa, phấn đấu giá trị tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận đạt trên 40%...
Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được nâng lên 31.310ha; lượng lúa giống gieo sạ giảm dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Cùng với đó, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững; 100% diện tích sản xuất có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX, các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; trên 80% diện tích được cơ giới hóa đồng bộ; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận đạt trên 50%...
Theo ông Nguyễn Anh Việt, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng, năm 2024, huyện đăng ký thực hiện Đề án 7.294ha; năm 2025 nâng lên 11.800ha; đến năm 2030 sẽ nâng lên 27.700ha. Còn tại huyện Tân Thạnh, năm 2024 thực hiện thí điểm 5.700 ha, năm 2025 nâng lên gần 10.000ha.