Triển khai chương trình phòng chống suy giảm thị lực tại các trường mẫu giáo

Ngày 16-12, Sở GD-ĐT TPHCM triển khai chương trình phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ em mẫu giáo tại tất cả trường mầm non trên địa bàn thành phố.

Theo đó, chương trình nhằm phổ cập kiến thức cho cán bộ quản lý trường học, giáo viên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ phát hiện sớm tật khúc xạ, phòng chống bệnh đau mắt đỏ và chấn thương mắt trong các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, chương trình cũng hướng dẫn công tác truyền thông về chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực ở trẻ em thông qua các hoạt động học tập và vui chơi.

Đây là chương trình do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia phát động nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng học tập của trẻ em, phát hiện sớm các triệu chứng suy giảm thị lực và các vấn đề bất thường về mắt ngay từ lứa tuổi mẫu giáo để kịp thời có can thiệp phù hợp.

Cụ thể, giáo viên được yêu cầu thiết kế các hoạt động giáo dục đa dạng, khuyến khích cho trẻ thực hành và trải nghiệm gồm chơi ngoài trời, hoạt động ở các góc học tập, thực hiện lồng ghép và tích hợp các chủ đề về chăm sóc mắt trong kế hoạch giáo dục hàng ngày ở cơ sở giáo dục mầm non.

Đơn cử, giáo viên tổ chức trò chơi hỏi đáp các bộ phận trên cơ thể; hát, đọc thơ, kể chuyện về các bộ phận trên cơ thể người; vẽ, xé giấy dán bộ phận trên khuôn mặt; tập thể dục thư giãn mắt và tham gia trò chơi vận động ngoài trời (như ném xa, tung bóng…).

Triển khai chương trình phòng chống suy giảm thị lực tại các trường mẫu giáo ảnh 1 Học sinh Trường Mầm non Tân Kiểng (quận 7) trong một hoạt động kỹ năng trên lớp

Đối với hoạt động ăn, ngủ và vệ sinh cá nhân, giáo viên hướng dẫn trẻ cách lau mắt, rửa mặt, sử dụng khăn riêng để phòng tránh lây bệnh đau mắt, nhắc nhở cha mẹ hoặc người chăm sóc nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý sau khi đi bơi.

Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức nhiều hoạt động giúp trẻ có kỹ năng phòng tránh tật khúc xạ như trò chơi bác sĩ, góc đọc sách, phân loại thực phẩm theo nhóm, đọc giờ trên đồng hồ, khám phá côn trùng…

Song song đó, để nâng cao hiệu quả truyền thông, trường học thông qua website trường, trang mạng xã hội (zalo, viber, facebook…), panô, áp phích, bảng tuyên truyền, tài liệu phát tay, hệ thống phát thanh trong giờ đón và trả trẻ, tuyên truyền các nội dung về các loại thực phẩm tốt cho mắt, cách chăm sóc khi trẻ bị đau mắt đỏ, duy trì các thói quen tốt cho mắt, phòng tránh các tai nạn về mắt…

Đặc biệt, vào ngày thứ Năm, tuần thứ hai của tháng 10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới thống nhất là Ngày Thị giác thế giới, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức các sự kiện với chủ đề chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực cho trẻ như triển lãm sản phẩm tạo hình của trẻ, biểu diễn văn nghệ, tổ chức các hội thi, liên hoan gia đình - nhà trường…

Tin cùng chuyên mục