Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Đổi mới chính là điểm “lõi”
SGGP
Ngày 25-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 cấp tiểu học, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Cố gắng quy hoạch, sắp xếp các điểm trường
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, kết thúc năm học 2019-2020 toàn quốc có 14.904 cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) cấp tiểu học, với 14.545 điểm trường. So với năm học trước, số lượng trường và điểm trường khá ổn định.
Trong năm qua, các địa phương đã tích cực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm, mượn... Tuy nhiên, có thực tế sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn, tình trạng dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của học sinh.
Cũng theo TS Thái Văn Tài, năm học 2019-2020, toàn quốc có tổng số 8.756.621 học sinh tiểu học (tăng 276.644 em so với năm học trước); tổng số lớp là 282.968 (tăng 4.583 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31. Các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn; đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của chương trình, đảm bảo số lượng học sinh/lớp theo đúng quy định tại Điều lệ trường tiểu học.
Bộ GD-ĐT đánh giá, năm học 2019-2020, trước diễn biến của dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục đã chủ động điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh, từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Đến nay, tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của cả nước là 60,1%.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên giáo dục tiểu học sẽ triển khai song song hai chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và giáo dục phổ thông mới. Cấp tiểu học sẽ tập trung các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 và chuẩn bị triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022. “Đến nay SGK lớp 1 mới đã đến tay các trường, chưa có phàn nàn gì lớn về vấn đề này. Đó là một nỗ lực lớn”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Tiếp tục tinh giản để chương trình khoa học, sát thực tiễn
Tại hội nghị, các địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hiện hành; tổ chức dạy và học sách giáo khoa lớp 1 đạt hiệu quả. Một số địa phương đề nghị bộ có điều chỉnh sửa đổi quy định bố trí học sinh theo vùng miền, tạo thuận lợi cho việc bố trí biên chế giáo viên. Hiện nay, việc dạy học ngoại ngữ, tin học ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu rất khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, do đó cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa phương thức xã hội hóa giáo dục ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh…
Giáo viên Trường Tiểu học Thân Nhân Trung (quận Tân Bình, TPHCM) sửa sang trường lớp chuẩn bị năm học mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực, tâm thế của các địa phương cho việc triển khai CTGDPT mới đối với bậc tiểu học. Theo bộ trưởng, năm học vừa qua, học kỳ 2 bị tác động nặng của dịch Covid-19, làm đảo lộn kế hoạch năm học, trong đó có tiểu học. Tuy nhiên, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức dạy học ứng phó với dịch, trong đó có dạy học online, dạy trên truyền hình, chất lượng giáo dục cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, bộ trưởng cũng lưu ý, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai SGK lớp 1 mới, nhưng chất lượng thực sự của chương trình, SGK phải qua thực tế triển khai 1 - 2 năm mới tổng kết, đánh giá đầy đủ. Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là rất thận trọng, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng. Khối lớp 2 đến lớp 5, năm nay tiếp tục dạy học theo SGK hiện hành; năm học 2021-2022 lớp 2 sẽ thực hiện CTGDPT mới. Đối với các lớp 2, 3, 4, 5, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tiếp tục tinh giản chương trình hiện hành theo hướng tiếp cận CTGDPT mới. Tinh gọn, tinh giản nhưng không phải cắt bỏ cơ học mà sắp xếp các kiến thức theo hướng tích hợp, phân hóa khoa học, để các mạch kiến thức thiết thực, gọn gàng, sát với đời sống thực tiễn, đặc biệt là cấp học. Tới đây, sẽ tiếp tục tinh giản để chương trình thực sự khoa học, thực tiễn, sát yêu cầu chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận CTGDPT mới. Theo người đứng đầu ngành giáo dục, đổi mới chính là điểm “lõi” trong thực hiện CTGDPT mới. Các thầy cô đổi mới thì chất lượng giáo dục sẽ tốt lên rất nhiều.
Song song đó, tới đây bộ sẽ ban hành thông tư mới về đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phẩm chất năng lực, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, kết hợp đánh giá thường xuyên với định kỳ. Khen thưởng học sinh phải thực chất, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa đúng dẫn đến hiệu ứng ngược. “Khen phải tạo được động lực chứ không phải khen để học sinh tâm tư. Các thầy cô phải cùng nhau có giải pháp, cách thức để công tác khen thưởng học sinh và thi đua giữa các giáo viên, nhà trường đi vào thực chất, phù hợp. Làm tốt việc khen thưởng sẽ tạo động lực lớn cho các cô thầy cũng như học sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý.
"Cả nước hiện có khoảng 400.000 giáo viên tiểu học, nhưng số chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 (có trình độ từ cử nhân trở lên) là khoảng 100.000 (chiếm 24%). Số thầy cô này sẽ được bồi dưỡng nâng chuẩn, nhưng việc tổ chức thực hiện nâng chuẩn cần đảm bảo quyền lợi của thầy cô khi đi học. Đây là điều mà ngành giáo dục, ngành nội vụ và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo, để giáo viên yên tâm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chúng ta có lộ trình 10 năm để nâng chuẩn giáo viên. Do đó không nên dồn dập vào 1 giai đoạn, nhưng cũng không nên thờ ơ, tránh tình trạng cấp tập thực hiện trong giai đoạn cuối, vừa không bảo đảm chất lượng, vừa không bảo đảm quyền lợi của thầy cô" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ