* Luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn luật sư TPHCM:
Giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp lý
Mới đây, việc ban hành văn bản của Bộ TT-TT chấn chỉnh tình trạng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác…, là kịp thời và nhanh chóng nắm bắt hiện tượng “rác văn hóa” cũng như các hành vi vi phạm quy định an ninh mạng đang xảy ra ồ ạt hiện nay.
Đây như là một tín hiệu thông báo Nhà nước đang theo dõi sát sao tình hình sử dụng mạng xã hội của công dân và có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng sai trái, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Tôi cho rằng, để xử lý triệt để tình trạng “rác văn hóa” như Báo SGGP đã nêu những ngày qua, cũng như các hành vi vi phạm luật an ninh mạng hiện nay, thì cần thời gian. Việc “triệt để” không thể một sớm một chiều.
Chúng ta cần thời gian để nâng cao hiểu biết pháp lý cho người dân; cần thời gian để tuyên truyền và chỉnh đốn các chuẩn mực đạo đức; cần thời gian để nhân dân dần tin tưởng vào sự kịp thời và hiệu quả của việc phản ánh, công bố tin giả qua cổng thông tin, cũng như cần thời gian điều chỉnh về pháp luật để phù hợp hơn với đời sống xã hội ngày một phát triển
của đất nước.
* Nhà văn Phương Huyền, Trưởng ban Truyền thông, Hội Nhà văn TPHCM:
Trang bị “hệ miễn dịch” phù hợp để tự bảo vệ
Như những gì Báo SGGP đã nêu trong loạt bài Chẩn trị “rác văn hóa”, trước tiên, chúng ta cần xác định một số sự việc diễn ra trong thời gian qua không chỉ là hiện tượng mà còn là trào lưu và nhu cầu thực tế của những người đang theo dõi thông tin trên báo chí và mạng xã hội. Chúng ta dễ dàng thấy được mức độ quan tâm của người xem, thích, bình luận, chia sẻ đối với các bài viết có nội dung giật gân, tiêu cực với số lượng nhiều hơn các thông tin tích cực. Theo tôi, đó là vấn đề lệch chuẩn văn hóa trong một số người hiện nay.
Trong giai đoạn mà tự do thông tin cùng với đó là sự phát triển của internet, mạng xã hội, việc hạn chế và sàng lọc thông tin, dọn dẹp “rác văn hóa” là rất khó khăn, nhưng vẫn phải làm. Tôi cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất là chúng ta không đi “diệt virus” (tháo, gỡ bài, xử phạt…) mà cần trang bị cho mọi người một “hệ miễn dịch” thật sự hiệu quả. Đó là “hệ miễn dịch” phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong giai đoạn hiện nay, giúp mọi người nâng cao nhận thức và tự bảo vệ, không để “rác văn hóa” thâm nhập vào suy nghĩ, hành động của mình.
Ở góc độ người viết, tác phẩm của mỗi nhà văn phải hướng đến cái đẹp, phản ánh thực tế đời sống xã hội thông qua ngòi bút của mình. Phong cách đa dạng nhưng phải phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức văn hóa. Xem văn học là vũ khí sắc bén, là liều vaccine tích cực để tiêu diệt cái xấu, tiêu diệt cái gọi là “sách rác”.
* Chị Phan Thị Lan Anh, Bí thư Đoàn Kho bạc Nhà nước TPHCM:
Thêm “tường lửa” lọc thông tin xấu, độc
Trong một xã hội có công nghệ phát triển như hiện nay, hậu quả các trang mạng với các thông tin rác, xấu, độc gây ra vô cùng lớn. Người dùng mạng xã hội, đặc biệt người trẻ, cần có cái nhìn đúng đắn và cân nhắc kỹ trước mỗi hành động thích, chia sẻ hay bình luận. Tham gia môi trường mạng cần có ý thức hơn trong việc chia sẻ thông tin, không tạo ra tin giả với bất kỳ mục đích gì. Sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có ý thức, những người trẻ sẽ biết chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho cộng đồng.
Theo tôi, quan trọng là vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội khi phối kết hợp để hình thành nhân cách, định hướng hệ giá trị sống cho những người trẻ, giúp họ có một “văn hóa chọn lọc” khi tham gia môi trường mạng. Đây là giải pháp căn cơ cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và phải qua quá trình lâu dài mới có thể đạt hiệu quả.
Trước mắt, khi mạng xã hội được giới trẻ coi như “cơm ăn, nước uống” thì muốn chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn văn hóa, đòi hỏi sự răn đe nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng đến những người trẻ, giúp họ hiểu các điều cấm liên quan văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, còn cần sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của lực lượng chức năng để phát hiện trường hợp vi phạm, xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, cần có thêm những “bức tường lửa” về mặt kỹ thuật để tự động lọc bỏ những video hay thông tin đăng tải có nội dung nhạy cảm, xấu độc, dễ ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiếp nhận.