Ngày 21-7, Thành ủy TPHCM phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức buổi họp mặt nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2022), tri ân những đóng góp to lớn của các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây còn là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với những người có công với cách mạng.
Tham dự có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Cùng dự, có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM: Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thị Thu, nguyên Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân số, Gia đình và trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
Buổi gặp mặt có sự tham gia của hơn 200 nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Thực hiện tốt hơn chính sách chăm lo người có công
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ sự khâm phục và trân trọng tri ân trước những hy sinh, cống hiến lớn lao của các mẹ, các cô, các dì bị địch bắt, tù đày trong thời kỳ kháng chiến. Các nữ chiến sĩ cách mạng đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh. Cùng với sự phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, không ngừng hoàn thiện pháp luật nhằm ngày càng thực hiện tốt hơn việc ưu đãi, chăm lo cho đối tượng người có công với cách mạng.
Theo đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, với sự nỗ lực chung của hệ thống chính trị, đến nay cả nước đã xác nhận được 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 600.000 thương binh, 185.000 bệnh bệnh, 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày. |
“Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng ta không thể nào quên 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, đuổi Mỹ vĩ đại của dân tộc. Cùng với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, các mẹ, các cô, các chị có mặt tại đây đã theo tiếng gọi của Đảng, hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc khi tuổi còn thanh xuân với nhiều ước mơ, hoài bão. Đối với nữ chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là các mẹ, các cô, các chị bị bắt tù đày thì sự khắc nghiệt, hy sinh càng gấp bội phần. Nếu không có lý tưởng cách mạng cao đẹp, không có một niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng và khí chất kiên cường, bất khuất của phụ nữ Việt Nam thì những phụ nữ chân yếu, tay mềm không thể nào vượt qua được những gian khổ, khắc nghiệt chốn lao tù. Các dì, các chị đã giữ tròn khí tiết, làm cho đồng đội yêu thương, kẻ thù phải nể phục”, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã cùng cả nước kiên cường đấu tranh, không ngại hiểm nguy, hy sinh gian khổ, trong đó có sự đóng góp vô cùng to lớn của các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Dù phải chịu những đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng các nữ chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy mục tiêu chung làm động lực chiến đấu. Tinh thầy ấy không ngừng được vun bồi và phát huy trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và cả trong thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố, đất nước.
“Với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, các đồng chí đã vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế về sức khỏe, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước. Đem hết tâm huyết và sức mình đóng góp công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh cũng như trong điều kiện đất nước hòa bình, thống nhất. Dù tuổi cao, sức yếu, các dì, các chị luôn gắn bó, đóng góp thiết thực cho các phong trào, cuộc vận động tại địa phương, chăm lo người nghèo, đấu tranh các tệ nạn xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước và là chỗ dựa tinh thần, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”, đồng chí Nguyễn Văn hiếu bày tỏ.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu trân trọng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc; bày tỏ sự cảm phục, biết ơn đến các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xác định thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các gia đình thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng nói chung, trong đó có các đồng chí bị địch bắt tù đày là công việc luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Lãnh đạo thành phố xem đây là trách nhiệm, là tình cảm, là sự tri ân, là đạo lý, từ đó kết nối các nguồn lực, vận động giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm gia đình chính sách, người có công có mức sống từ trung bình trở lên.
Vết sẹo, nhân chứng sống động chốn lao tù
Đồng chí Trương Mỹ Hoa bày tỏ niềm xúc động khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM tổ chức buổi họp mặt ấm cúng, ý nghĩa để các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có cơ hội được gặp mặt nhau. Dù đã có nhiều buổi họp mặt diễn ra, nhưng mỗi lần gặp nhau, các nữ cựu tù đều thấy dâng trào cảm xúc.
Đồng chí Trương Mỹ Hoa cho biết, dù được giới thiệu chức danh nào, nhưng bà vẫn muốn được giới thiệu là cựu tù chính trị. Tài sản lớn của người tù chính là những vết sẹo hình thành trên thịt da do kẻ thù tra tấn.
Đồng chí xem đó là tài sản, là điều theo đồng chí và các cựu tù suốt cuộc đời, không ai có thể xuyên tạc hay đổi thay được. Nhìn những vết sẹo ấy, các cựu tù sống xứng đáng với danh hiệu người tụ chính trị của mình.
Ôn lại những kỷ niệm gian khổ khi bị nhốt qua các nhà tù, đồng chí Trương Mỹ Hoa khẳng định, dù gian khổ trăm bề, dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, dù kẻ thù hành hạ, tra tấn dã man nhưng các nữ chiến sĩ cách mạng luôn gắn bó, yêu thương, đoàn kết để chiến đấu để có chết cũng không mất khí tiết, còn sống thì tiếp tục làm cách mạng.
Đồng chí Trương Mỹ Hoa mong sẽ có nhiều buổi họp mặt trang trọng như thế này để các nữ cựu tù có dịp ngồi lại thăm hỏi sức khỏe nhau. Đồng chí mong các dì, các chị giữ gìn sức khỏe, niềm tự hào của người nữ chiến sĩ cách mạng để sống và khuyên dạy con cháu nên người.
Bùi ngùi kể lại những ngày trong chốn lao tù, bà Lê Tú Cẩm khẳng định những đòn tra tấn hiểm ác của kẻ thù không thể làm mình nhục chí, gục ngã thì trong thời bình, bà cùng các dì, các chị tiếp tục nỗ lực phấn đấu để còn sức là còn cống hiến để giúp quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đồng chí Hà Thị Nga xúc động khi nhắc về sự hy sinh của các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày: “Các dì, các mẹ đã phải chịu nhiều đòn tra tấn, cực hình, khủng bố man rợ nhất của kẻ thù nhưng vẫn một lòng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Thà chết chứ không đầu hàng, không phản bội cách mạng, không phản bội nhân dân. |
Theo đồng chí Hà Thị Nga, các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính là nhân chứng sống động nhất viết nên bản hùng ca bất hủ về sự quả cảm, hy sinh vì độc lập dân tộc. Xứng đáng với tám chữ vàng mà Đảng, Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Các dì, các mẹ là tấm gương sáng không chỉ cho phụ nữ mà cho các tầng lớp nhân dân noi theo.
Trước khi diễn ra buổi họp mặt, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.