Tham dự buổi họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT, chứng nhân lịch sử và đông đảo các thế hệ nhân dân quê hương An Phú Đông đều bồi hồi xúc động tham dự buổi họp mặt, bởi những ai đã đến nơi đây, trụ lại và đã ngã xuống trên mảnh đất này, tất cả đều đã làm nên trang sử chiến khu An Phú Đông bất diệt.
Sau nghi thức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các thế hệ đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trên quê hương An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống quê hương An Phú Đông gian lao mà anh dũng trong đấu tranh; ôn lại những trận đánh, đóng góp của quân và dân quận 12 trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận 12 Trần Hữu Trí cho biết, địa danh An Phú Đông, vùng chiến khu năm xưa, đất và con người nơi đây đã đi vào lịch sử cách mạng vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bằng những bản hùng ca vang dội. Trước đó, ngày 25-12-1945, Ủy ban Kháng chiến Gia Định đã thành lập Chiến khu An Phú Đông ngay sát trung tâm Sài Gòn, thực hiện bám đất, bám dân làm chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Chiến khu An Phú Đông gồm hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc (nay là phường An Phú Đông, phường Thạnh Lộc, phường Thạnh Xuân thuộc quận 12). Đây là vùng căn cứ lõm cho các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích hoạt động; là cửa ngõ cho lực lượng ta có thể liên lạc, phối hợp tác chiến với các vùng khác như chiến khu Đ, Củ Chi, Trung ương Cục. Xuất phát từ đây, ta có thể tấn công tiêu diệt các cơ quan quân sự của địch trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong chiến dịch lịch sử Xuân Mậu Thân 1968, tại Vườn Cau Đỏ Thạnh Lộc, một cánh quân của Tiểu đoàn 2 xuất quân đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Tân Bình, du kích các xã tổ chức diệt các tên ác ôn, bao vây các đồn bót nhỏ.
Tại An Phú Đông, Trung đoàn Quyết Thắng xuất quân và để lại một bộ phận nhỏ cùng với du kích xã tấn công đồn Vàm Thuật. Trong thời gian này, địch phản kích điên cuồng, chúng trút xuống vô số bom đạn, biến vùng An Phú Đông thành hoang tàn.
Trong gian lao, mỗi người dân, thôn ấp nơi đây đều là những chiến sĩ kiên cường, gan dạ ngăn cản bước tiến của quân thù. Những cánh đồng lúa xanh tốt, những con người chất phác, hiền hoà nơi đây đã trở thành nơi cung cấp, tiếp nhận lương thực, hàng tiếp tế, tiền bạc, quần áo, thuốc men kịp thời và nhanh chóng cho các lực lượng kháng chiến; là nơi trú ẩn, nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo, các chiến sỹ cách mạng.
“Suốt 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, nơi đây trở thành vùng tự do bắn phá của địch. Nhân dân ở vùng Chiến khu An Phú Đông năm xưa đã chịu đựng không biết bao nhiêu gian khổ, hy sinh nhưng tinh thần quyết tử để bảo vệ non sông Tổ quốc thì luôn dũng cảm và kiên cường”, Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hữu Trí phát biểu trong xúc động.
Nhớ đến một thời oanh liệt của lớp lớp đồng bào, đồng chí, Bí thư Quận ủy quận 12 Trần Hữu Trí cho biết, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận 12 đang ra sức phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, tạo bộ mặt đô thị mới trên quê hương An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ anh hùng, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.
Đồng chí Trần Hữu Trí mong muốn cán bộ, đảng viên, quân và dân quận 12 hãy tỏ lòng tri ân những người đã ngã xuống cho hoà bình, độc lập, tự do bằng những việc làm hữu ích, thiết thực hơn nữa trong việc tích cực tham gia vào xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.
Ngay sau buổi họp mặt, lãnh đạo TPHCM đã tặng hơn 150 phần quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh quận 12.