Tháng 7, muôn tấm lòng cả nước lại hướng về đất thiêng Quảng Trị tri ân và tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để gìn giữ núi cha, sông mẹ của Tổ quốc. Cùng với hoạt động dâng hương, dâng hoa, tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước còn triển khai các hoạt động an sinh xã hội với mong muốn san sẻ một phần khó khăn, thiếu thốn cùng người dân ở mảnh đất vốn chịu đựng nhiều đau thương, mất mát này.
Tiếp sức em đến trường
Ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngoài hoạt động chăm lo, tặng quà các gia đình chính sách, thương bệnh binh, Đồn Biên phòng Hướng Lập (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) còn phối hợp với Nhóm thiện nguyện Trái tim hồng Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình “Tiếp sức em đến trường”. Chương trình đã trao 250 phần quà gồm cặp sách, đèn học, bút, tập vở và 50 chiếc xe đạp đến các em học sinh dân tộc Vân Kiều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, thông tin, Hướng Lập là xã vùng biên thuộc huyện Hướng Hóa, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Xuất phát điểm thấp, lại gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh nên cuộc sống người dân và điều kiện tới trường của các cháu học sinh còn gặp muôn vàn khó khăn. “Đồn Biên phòng Hướng Lập thường xuyên vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm, sinh kế, các công trình dân sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đơn vị cũng nhận đỡ đầu nhiều cháu học sinh theo chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”. Những hoạt động này thể hiện tình quân dân, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đối với người dân nơi biên giới; động viên nhân dân cùng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc”, Trung tá Hồ Lê Luận chia sẻ.
Đền ơn đáp nghĩa
Nắng như đổ lửa nhưng các thành viên trong câu lạc bộ tình nguyện Vì cộng đồng Little Hearts vẫn tích cực phối hợp với Huyện đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị tổ chức Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” - “Thương gieo miền nắng” tại xã A Vao, huyện Đakrông. Anh Nguyễn Đức Linh, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Đakrông, cho biết, chiến dịch triển khai nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa như khoan giếng, xây dựng hệ thống lọc nước; trao quà với tổng giá trị hơn 258 triệu đồng tặng học sinh và các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn.
Trong hành trình trở lại Quảng Trị để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trao 9,5 tỷ đồng để thực hiện các công trình an sinh xã hội trong năm 2024. Trong đó, hỗ trợ xây dựng Trường Mầm non A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, trị giá 5 tỷ đồng và nhà tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng phường 1, thị xã Quảng Trị, trị giá 4,5 tỷ đồng. Ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hỗ trợ gần 50 tỷ đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh Quảng Trị, tập trung cho các công trình về giáo dục ở thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và một số công trình văn hóa khác. Đây là tấm lòng của cán bộ, người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam dành cho tỉnh Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, với mong muốn người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tình nguyện viên Hàn Quốc “chữa lành” trẻ em khuyết tật
Hưởng ứng lễ hội Vì hòa bình 2024 lần đầu được tổ chức ở tỉnh Quảng Trị nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, từ ngày 9 đến ngày 12-7, tổ chức Medipeace tổ chức “Trại chữa lành” với 44 tình nguyện viên đến từ Hàn Quốc tham gia các hoạt động hướng đến trẻ em khuyết tật và mẹ của các em ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngoài truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật, phát phiếu thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc miễn phí tặng người tham gia, các tình nguyện viên còn cắt tóc làm đẹp, dạy vẽ tranh, tổ chức trò chơi vận động, nấu ăn… cùng hàng trăm trẻ em khuyết tật và những người mẹ của các em. Những hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, từ đó có cái nhìn tích cực hơn với người khuyết tật, tạo môi trường hòa nhập cho các bạn trẻ và cả phụ huynh.