Tuy nhiên, cơn bạo bệnh Covid-19 đã bộc phát những “đột biến” khó khăn, phức tạp khác, trong đó nguồn nhân lực y tế nói riêng, định biên công, viên chức nói chung của thành phố đang bị tắc nghẽn giữa những quy định, cơ chế, chính sách chung.
Trong buổi làm việc với Quận ủy Bình Tân về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn quận, sau khi khảo sát địa bàn, trao đổi trực tiếp với đại diện y tế quận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự thấu hiểu thực trạng. Trước mắt, trong khi chờ trung ương xem xét điều chỉnh, đồng chí yêu cầu quận Bình Tân không được chủ quan, luôn sẵn sàng tinh thần “phòng” trước khi dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nếu thiếu vaccine và hệ thống y tế “đề kháng” yếu; và ở cấp độ thành phố cũng tương tự. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, cơn khát thuốc men, vật tư y tế cộng với làn sóng rời bỏ bệnh viện công sẽ chồng chất nguy cơ thiếu hụt nguồn lực, quá tải nội lực phục vụ.
Rõ ràng, ngay khi TPHCM bước vào giai đoạn phục hồi - tái thiết, một trong những ưu tiên hàng đầu là củng cố hệ thống y tế cơ sở. Chương trình tăng cường bác sĩ trẻ, chuyển giao các trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế về UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trực tiếp quản lý. Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn nhằm khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình thực hành tại bệnh viện gắn với thực hành tại trạm y tế cũng như thu hút bác sĩ đã nghỉ hưu quay trở lại công tác tại trạm y tế.
Hiện tượng tiếp tục quá tải cùng việc chưa thể cải thiện thu nhập, đảm bảo môi trường làm việc đủ để tái tạo sức khỏe, phát triển chuyên môn đã dẫn tới việc nhiều y bác sĩ rời bỏ công việc, nhiệm sở. Vì vậy, sự dịch chuyển bước đầu với các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn đã được HĐND TPHCM ra quyết nghị rất cần được thúc đẩy thực thi mạnh mẽ hơn nữa. Mà một trong những phương thức là chuyển đổi hoạt động các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình để tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe người dân tốt nhất có thể ngay ở thời điểm phát hiện. Trong thời gian tới, thành phố cần xin thí điểm cơ chế cho phép y tế cơ sở và y tế dự phòng cung cấp dịch vụ có thu phí (dịch vụ khám xét nghiệm sàng lọc và dịch vụ quản lý và theo dõi điều trị các bệnh mãn tính). Việc này sẽ đáp ứng được nhu cầu thực, cũng như giúp tạo động lực và cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.
Hiện UBND TP đã ban hành Kế hoạch xây dựng đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đông dân tại TPHCM với nhiều cách tiếp cận. Một trong số đó là căn cứ vào số dân cư, khối lượng công việc mà UBND cấp xã đang xử lý. Việc tăng biên chế theo nguyên tắc phường, xã trên 50.000 người được xem là đông dân và cứ thêm 10.000 người dân sẽ được bổ sung một biên chế, nguyên tắc này cần được áp dụng tương tự với y tế cơ sở. Làm được điều đó góp phần hoàn thiện đề án “Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân TPHCM giai đoạn 2021-2030” mà UBND giao cho ngành y tế thực hiện.
Trong khi chờ những khúc mắc cơ chế được trung ương tháo gỡ, những đầu việc không thể đợi đã và đang được TPHCM xúc tiến, như gợi mở của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: đó là tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp y tế tư nhân với quân và dân y, đông và tây y; kêu gọi những cán bộ về hưu, những tấm lòng có sẵn để phục vụ, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt sức lao động của cán bộ, nhân viên y tế.