“Khi chưa có được chính quyền trong tay, Thị ủy Trà Vinh cùng số ít đảng viên đã dựa vào thế hoạt động hợp pháp công khai, luôn tìm cách vận động, bênh vực người dân nghèo. Khi mình đồng hành cùng quyền lợi nhân dân, được thông suốt, dân sẵn sàng ủng hộ”, lời kể của bà Hà Thị Nhạn, nguyên Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Phụ nữ thị xã Trà Vinh thời chống Mỹ, thật đáng cho mọi người ngẫm ngợi. Bà đã kể lại câu chuyện treo cờ Đảng giữa lòng nội đô thị xã Trà Vinh.
Sau ngày hòa bình, nhân dịp chị Năm Lý (bà Nguyễn Thị Được, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh, sau là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) về thăm Trà Vinh, chị em chúng tôi cùng ôn lại bao kỷ niệm của một thời đáng nhớ. Chị nói, thời về Trà Vinh hoạt động ngắn ngủi nhưng để lại trong chị nhiều kỷ niệm và nhiều bài học sâu sắc.
Chị rất tâm đắc chuyện Thị ủy Trà Vinh chủ trương kỷ niệm ngày thành lập Đảng năm 1958. Đó là thời điểm địch tăng cường khủng bố, đàn áp cách mạng. Chúng ra sức dồn dân, khủng bố, bắt bớ ở cả thành thị và nông thôn. Tỉnh trưởng Lương Duy Ủy đã từng tổ chức mừng công chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, tuyên bố “đã tiêu diệt hoàn toàn cộng sản, kiểm soát 100% đất đai và dân số trên toàn tỉnh”.
Chị Năm Lý nhiều đêm suy nghĩ rằng Thị ủy phải làm một điều gì đó trong ngày thành lập Đảng. Chị nghĩ cách treo lá cờ Đảng trên nóc chợ hoặc đình Long Đức. Anh Nguyễn Văn Vững (Ba Vững), một đảng viên trung kiên, hoạt động hợp pháp, nắm nghiệp đoàn thợ may, sau khi nghe chị Năm Lý bàn chuyện treo cờ, rất đồng tình. Anh lại muốn treo cờ trên ngọn cây dương ở đình Long Đức để địch không dễ gỡ. “Cây dương rất cao, làm sao leo được lên ngọn để treo cờ?”, chị Năm Lý băn khoăn. Anh Ba Vững động viên: “Chị cứ may cờ đi, chuyện treo để tui lo”.
Vậy là chị Năm Lý về tiệm may Tân Tiến, chỗ ở hợp pháp của chị khi vào nội đô Trà Vinh, may lá cờ lớn, ngang 1,8m, dài 2,7m. Chị may bằng tay trong nhiều ngày. Tối 5-1, anh Ba Vững đạp xe chở chị Năm Lý đến đình Long Đức. Anh đứng ngoài rào tại gốc cây dương. Chị Năm Lý mang lá cờ được gói gọn đặt dưới gốc cây rồi lấy mảnh cà-ràng bể đậy lên. Đến 12 giờ đêm, anh Ba Vững trèo lên cây sao ngoài lề đường. Anh đã quan sát nhiều ngày nên biết rất rõ, trên ngọn cây sao có một nhánh giao cành với cây dương cổ thụ. Anh gác gốc cây tầm vông làm cầu rồi lần từ cây sao qua cây dương, treo được cây cờ trên đỉnh ngọn cây cao chót vót.
Sáng 6-1-1958, khắp chợ Trà Vinh, bà con xôn xao, bỏ cả chuyện làm ăn buôn bán, cùng hướng về phía ngọn cây dương nơi đình Long Đức. Trên đỉnh ngọn cây ngút mắt, lá cờ đỏ búa liềm thật lớn bay phấp phới trên nền trời. Bà con kinh ngạc, xuýt xoa. Hòa lẫn cùng đồng bào ngắm lá cờ, chị Năm Lý sung sướng, thầm khen các anh nghĩ ra việc treo cờ này thật hiệu quả và anh Ba Vững có quyết tâm thật cao. Bọn cảnh sát, thám báo giận dữ. Chúng sờ soạng gốc cây, không thể hiểu nổi cây dương suôn đuột, gốc cây 2 người ôm không giáp, không có chỗ bám thì làm sao có người trèo lên được để treo cờ?
Tỉnh trưởng đốc thúc phải hạ cây cờ xuống… Giữa lúc bọn cảnh sát còn đang bối rối, hoang mang thì không biết từ đâu truyền đơn mang nội dung cách mạng như bươm bướm bay khắp chợ. Những chú chó, chú khỉ mặc áo mang tên Ngô Đình Diệm, Trần Lệ Xuân chạy lênh nghênh trên đường. Và thật là kỳ lạ, một cảnh tượng ngoạn mục, thật đẹp đập vào mắt đồng bào Trà Vinh. Trên trời, những con chim bồ câu mang cờ đỏ búa liềm bay là đà, tập trung đông nhất trên dinh tỉnh trưởng và ty công an. Những con chim bồ câu mang cờ bay không cao, không thấp. Cảnh sát chụp không được mà quơ cũng chẳng tới. Thật là một cảnh tượng sinh động.
Ngang ty công an có mấy gia đình chuyên vựa củi và cừ tràm, cừ đước làm móng cất nhà. Những chú khỉ mang tên Ngô Đình Diệm, Trần Lệ Xuân ngồi chơ hơ trên đống cừ, dòm qua ty công an, nhăn nhăn, gãi gãi. Trên nóc những ngôi nhà quyền lực dinh tỉnh trưởng, ty công an, những con chim bồ câu mang cờ đỏ búa liềm bay la đà trên không… Mấy chú chó bị lính đuổi chạy vào nhà lồng chợ, len vào các hàng cá, hàng rau..., được các chị bạn hàng che chở, chúng ung dung đi lại, nguẫy đuôi nhìn, gây một trận cười không cấm cản được.
Trời nắng lên, trên các khu phố, quanh nhà lồng chợ, truyền đơn từ đâu bay đến rơi trước mặt cảnh sát, rơi trên các sạp cháo, bún nước lèo, dân lượm chạy theo đưa cho cảnh sát. Cảnh sát nổi nóng nạt nộ: “Biết rồi! Kệ nó! Mệt mỏi quá rồi!”.
Ngọn cờ Đảng cứ bay phấp phới trên đỉnh cao trước đình Long Đức như một vầng dương mang tình thương sưởi ấm lòng người dân Trà Vinh và âm vang còn lan rộng ra mọi miền.
Những con người thầm lặng
Chưa có chi bộ, chưa có thị ủy, chỉ một mình chị Năm Lý là Tỉnh ủy viên, phụ trách vài cán bộ, cơ sở hoạt động công khai, nhưng Trà Vinh vẫn dấy lên những phong trào đấu tranh, dựa vào thế công khai hợp pháp để dân tin Đảng vẫn còn. Khi tên tội phạm ở Khám Lớn Trà Vinh xung phong đi gỡ cờ, địch quan sát rất kỹ. Chúng phát hiện cây tầm vông luồn vào lá cờ treo trên ngọn cây dương được buộc bằng sợi dây vải. Lá cờ lại được may tay. Lập tức, ngay đêm ấy, bọn cảnh sát được lệnh bao vây tiệm may Tân Tiến. Anh Ba Vững thoát được, chạy lên Sài Gòn.
Sau vụ treo cờ ngày thành lập Đảng, cảnh sát ác ôn ở Trà vinh càn quét, bắt bớ nhiều người, trong đó có anh Ba Thử, chủ tiệm may Tân Tiến. Lúc ở khám Trà Vinh, anh Năm Thể, chồng chị Năm Lý, cùng bị giam chung với anh Ba Thử. Hai người không dám nhìn nhau, nhưng bí mật liên hệ, cùng động viên nhau giữ vững tinh thần và cách đối phó với địch. Chúng đưa anh Ba Thử lên Sài Gòn, rồi đưa hết nhà tù này đến khám giam khác, anh vẫn không khai bí mật của tổ chức.
Mãi đến năm 1960, anh được ra tù vì địch không tìm ra chứng cứ gì. Nhưng khi anh ra tù thì tiệm may Tân Tiến vốn tấp nập người ra vào may đo quần áo đã bị phá sản. Anh Ba Thử ra tù, cùng vợ buôn bán tần tảo lo cho đàn con, rất vất vả nhưng không một lời than phiền. Ít lâu sau, anh bị địch bắn chết trên đường. Sau ngày hòa bình, chị Năm Lý về thăm Trà Vinh, ghé thăm nhà anh Ba Thử, lặng người nhìn di ảnh hiền lành của anh trên bàn thờ cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công.
Ngày 24-5-1959, anh Ba Vững bị địch bắt, đày đi Côn Đảo. Trước những ngón đòn tra tấn tàn bạo của địch, anh vẫn không khai báo chị Năm Lý, một số cơ sở khác trong lòng nội đô Trà Vinh vẫn còn được nguyên vẹn. Sau thời kỳ đen tối, Thị ủy Trà Vinh củng cố, có thêm nguồn nhân lực lãnh đạo, phát huy sức mạnh nhân dân, làm nên những phong trào đấu tranh có sức lan tỏa cả miền Nam. Mãi đến ngày hòa bình, anh mới được trở về.